Giúp trò vượt qua tổn thương tâm lý

11/10/2023, 07:22
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau một tai nạn hay thảm họa, những biểu hiện thường thấy nhất ở trẻ bị sang chấn tâm lý là dễ bị tổn thương, sợ hãi và lo âu.

Nhà trường, phụ huynh, các tổ chức xã hội đã và đang tích cực hỗ trợ về mọi mặt để học sinh liên quan đến vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) sớm ổn định tâm lý, tiếp nối hành trình học tập.

Thầy cô luôn đồng hành

Có 6 học sinh không may tử nạn trong vụ cháy chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). Ngay sau khi nắm thông tin về vụ việc, Ban giám hiệu Trường THCS Khương Đình đã rà soát và thăm hỏi, động viên gia đình các em.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bích Nga cho hay, với học sinh có người thân bị mất sau vụ hỏa hoạn, nhà trường cắt cử cán bộ, giáo viên thường xuyên tới bệnh viện khi các em còn điều trị để chăm sóc, động viên tinh thần. Khi sức khỏe ổn định, nhà trường tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện để trò nhanh chóng quay trở lại lớp học.

Trường Mầm non Ánh Dương (quận Thanh Xuân) cũng chịu mất mát lớn khi có một học trò tử vong, một em mất người thân trong vụ cháy. Theo cô Đinh Thị Hòa – Hiệu trưởng nhà trường, khi biết thông tin vụ cháy, trường lập tức kiểm tra xem học trò nào cư trú tại chung cư mini trên.

Khi biết có 3 trẻ đang ở đó, qua nhiều kênh thông tin, các cô hỏi tình hình và nơi điều trị của các em để thực hiện hỗ trợ. Ngoài một em tử vong, trường có hai trẻ khác may mắn thoát nạn, trong đó có một em phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

“Học sinh tuy đã ổn định thể trạng nhưng bị sốc về tâm lý khi chứng kiến thảm họa kinh hoàng. Nhà trường đã cắt cử người túc trực, thăm hỏi, động viên để trẻ sớm bình phục về thể chất, tinh thần. Khi trò đi học trở lại, nhà trường tiếp tục phân công giáo viên, chuẩn bị các biện pháp hỗ trợ tâm lý...

Thông qua phát động của Mặt trận Tổ quốc phường, giáo viên, phụ huynh nhà trường đã gửi tiền hỗ trợ các nạn nhân. Đây là sự cố không ai mong muốn, trẻ lại là nạn nhân của vụ cháy nên rất cần sự quan tâm, chăm sóc và đồng hành từ thầy cô, nhất là em có người thân bị tử vong trong vụ hỏa hoạn”, cô Đinh Thị Hòa chia sẻ.

Cô Đoàn Thị Thu Hà – giáo viên tại quận Nam Từ Liêm tới chăm sóc học trò cũ là nạn nhân của vụ cháy khi nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: ITN ảnh 1
Cô Đoàn Thị Thu Hà – giáo viên tại quận Nam Từ Liêm tới chăm sóc học trò cũ là nạn nhân của vụ cháy khi nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: ITN

Nhiều giải pháp để ổn định tâm lý

Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, ông Phạm Gia Hữu - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) cho biết, bên cạnh hoạt động hỗ trợ cần thiết, đơn vị đã tiến hành tập huấn về tư vấn tâm lý cho học sinh sau vụ cháy chung cư mini phố Khương Hạ.

Lớp tập huấn được tổ chức tại Trường THCS Khương Đình với sự tham gia của hàng trăm học viên là phụ huynh học sinh, giáo viên, ban giám hiệu, cán bộ phụ trách tư vấn tâm lý học đường của các trường học trên địa bàn quận.

PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội). Ảnh: NVCC ảnh 2
PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội). Ảnh: NVCC

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) nhấn mạnh, sơ cứu tâm lý rất quan trọng nhằm giúp học sinh bình tĩnh, an tâm trở lại. Các nhà trường cần quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ học sinh bằng cách ở cạnh bên, lắng nghe; không bắt trẻ phải nói nhiều mà cố gắng tìm hiểu nhu cầu và giúp các em thấy yên tâm khi đang ở môi trường an toàn, được mọi người quan tâm, hỗ trợ tối đa.

Với trẻ mồ côi do bố/mẹ (hoặc cả bố và mẹ) tử vong trong vụ cháy, bên cạnh bù lấp kiến thức, các em rất cần chỗ dựa về tinh thần từ thầy cô để sớm vượt qua cú sốc đầu đời. Sau một tai nạn hay thảm họa, những biểu hiện thường thấy nhất ở trẻ bị sang chấn tâm lý là dễ bị tổn thương, sợ hãi và lo âu.

Do đó, việc hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân sau tai nạn, thảm họa cần tiến hành cẩn thận. Chúng ta tiếp cận nạn nhân một cách tôn trọng. Nếu có thể, hãy tìm chỗ an toàn và yên tĩnh để nói chuyện thay vì nơi đông người.

Sau đó, người tiếp cận mà cụ thể là giáo viên chủ nhiệm, nhân viên tư vấn tâm lý có thể hỏi về những nhu cầu và mối lo lắng của nạn nhân. Mặc dù một số nhu cầu có thể hiển nhiên như chăn đắp hoặc quần áo, nhưng hãy luôn hỏi xem các em cần gì và đang lo lắng điều gì.

Tìm hiểu xem điều gì là quan trọng nhất đối với nạn nhân lúc này, từ đó mới sắp xếp được các mối ưu tiên. Một số người trải qua thảm họa thường lo lắng và bối rối. Họ có thể bị lẫn lộn hoặc bị cảm xúc chi phối và có một số phản ứng về mặt cơ thể như run, toát mồ hôi, khó thở hay tim đập nhanh.

Nhận định hậu quả của vụ cháy sẽ ảnh hưởng nặng nề, lâu dài tới tâm lý của học sinh, ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường ngoài thăm hỏi, động viên, chia buồn…, cần đặc biệt quan tâm công tác hỗ trợ tâm lý, nhất là những em có người thân tử vong trong vụ cháy để sớm ổn định tâm lý, tiếp tục việc học.

Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân cho hay, những năm qua, phòng luôn quan tâm, hướng dẫn các trường tập trung cho công tác giáo dục đạo đức, phẩm chất, lối sống của học sinh; quan tâm nhiều hơn đến nhóm trẻ yếu thế để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ khi cần thiết.

Tất cả nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường hằng năm; thành lập tổ công tác, phân công giáo viên giàu kinh nghiệm, đã tham gia các lớp tập huấn phụ trách phòng tư vấn; tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, phù hợp với đặc điểm của mỗi cấp học và tình hình của từng trường. Với học sinh có người thân mất trong vụ cháy, thầy cô, nhà trường và toàn xã hội chung tay hỗ trợ để cùng trò bước tiếp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giúp trò vượt qua tổn thương tâm lý