Cần một hệ thống giải pháp toàn diện để gỡ điểm nghẽn, tạo bứt phá trên cả phương diện thể chế, chính sách để triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW.
Sáng nay (4/4), Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) đã tổ chức Tọa đàm khoa học quốc gia với chủ đề: “Chính sách thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.
Sự kiện có sự tham dự của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, các viện nghiên cứu, các trường đại học và lãnh đạo, giảng viên UEH.
Tìm giải pháp cho mô hình tăng trưởng mới
GS.TS Sử Đình Thành - Giám đốc UEH nhấn mạnh, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, với nền kinh tế số chiếm tối thiểu 50% GDP và thuộc nhóm 30 quốc gia dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc triển khai Nghị quyết 57 tại các địa phương đóng vai trò then chốt, yêu cầu sự cụ thể hóa chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn và khả năng sáng tạo của từng vùng.
"Tọa đàm hôm nay đặc biệt hướng đến các tỉnh, thành phố thuộc Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và cực Nam Duyên hải miền Trung. Cùng với cả nước, các địa phương này vừa thực hiện tái cấu trúc ranh giới hành chính, vừa đẩy mạnh nâng cao năng lực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững", ông Thành nói.
Thực tiễn cho thấy, các tỉnh, thành trong khu vực đang có sự chuyển động mạnh mẽ trong tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và số hóa các lĩnh vực trọng yếu như quản trị công, sản xuất, kinh doanh, giáo dục, y tế và dịch vụ công, qua đó đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.
"Đây là diễn đàn quan trọng để lãnh đạo các địa phương, các cơ quan quản lý và các nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, và đề xuất các chính sách đột phá nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương", ông Thành khẳng định.
Nhiều "điểm nghẽn" cần khơi thông
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế, giáo dục liên quan đến việc xóa bỏ các rào cản pháp lý đang cản trở nghiên cứu và đổi mới.
Chẳng hạn, sửa đổi ngay những quy định bất cập kìm hãm hoạt động KH&CN. Một ví dụ điển hình là giới hạn tuổi hưu đối với các nhà khoa học trong khu vực công. Hiện nay, giáo sư, phó giáo sư ở trường đại học công lập chỉ được kéo dài làm việc tối đa 5 năm sau tuổi hưu, theo NĐ 50/2022/NĐ-CP – thậm chí thấp hơn quy định trước đây (Giáo sư 10 năm, Phó Giáo sư 7 năm).
Thực tế, không ít nhà khoa học tâm huyết, kinh nghiệm khi nghỉ hưu sớm đã cảm thấy hụt hẫng vì không được cống hiến tiếp.
Do đó, cần mạnh dạn bãi bỏ giới hạn cứng về tuổi đối với các nhà khoa học có năng lực, trao quyền cho các đơn vị tự quyết định sử dụng nhân tài dựa trên hiệu quả cống hiến (KPI) thay vì tuổi đời.
Việc này sẽ giúp Việt Nam tận dụng được chất xám của các chuyên gia đầu ngành “khi còn khả năng được tiếp tục làm việc, cống hiến và đào tạo thế hệ kế cận”.
Bên cạnh đó, cần chấp nhận những cơ chế thử nghiệm đột phá để giải phóng sức sáng tạo. Nghị quyết 57 nêu rõ: Phải tạo khung chính sách phù hợp với bản chất hoạt động KH&CN – vốn có độ trễ và rủi ro nhất định. Điều này có nghĩa là pháp luật cần cho phép chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu ở mức độ tính toán được.
Theo các chuyên gia, nên xây dựng các cơ chế thí điểm, sandbox cho công nghệ mới, tức là cho phép thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ trong phạm vi giới hạn, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý.
Do vậy, Chính phủ cần sớm trình Quốc hội ban hành cơ chế pháp lý cho sandbox công nghệ trên các lĩnh vực như fintech, AI, xe tự lái, công nghệ sinh học..., cho phép thử nghiệm nhanh trong khuôn khổ quản lý rủi ro phù hợp.
Ngoài ra, cần phải tạo thể chế thông thoáng, khung pháp lý ổn định để tạo niềm tin và động lực để nhà khoa học và doanh nghiệp dám đầu tư dài hạn vào R&D.
Trong khi đó, về phía UEH, với tầm nhìn của một đại học nghiên cứu đa ngành và có trách nhiệm với sự phát triển bền vững của cộng đồng, nhà trường khẳng định sẽ luôn chú trọng gắn kết tri thức hàn lâm với thực tiễn quản lý và phát triển tại các địa phương.
"Những năm qua, UEH đã chủ động triển khai nhiều chương trình nghiên cứu, đào tạo, tư vấn chính sách cho các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung", GS.TS Sử Đình Thành thông tin.
Theo ông Thành, tọa đàm lần này là minh chứng cụ thể cho cam kết đó, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của UEH trong việc đồng hành cùng với các địa phương ở các hoạt động hoạch định, thực thi, tư vấn và phản biện chính sách, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước...
Theo chương trình hành động của UBND TPHCM về việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, TPHCM đặt ra một số mục tiêu rất cụ thể trong tương lai gần.
Cụ thể, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) của TPHCM cho chương trình đạt 2% GRDP; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
TPHCM phấn đấu thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của cả nước; thuộc nhóm 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu; nhóm 3 tỉnh, thành đứng đầu về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số dẫn đầu cả nước.
TPHCM cũng quyết tâm hình thành 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; 5 trung tâm nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo tiệm cận trình độ quốc tế (CoE) trong các lĩnh vực trọng tâm; thúc đẩy, hỗ trợ hình thành 5 - 10 doanh nghiệp công nghệ lớn; nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người/10.000 dân.