Với hơn 280 công trình khoa học trong lĩnh vực Toán Tối ưu và Khoa học dữ liệu, trong đó có 140 bài báo công bố trong các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, thành quả cao của các dự án chuyển giao công nghệ cho nhiều hãng công nghiệp lớn, cùng với thành tích đào tạo 35 tiến sĩ và 4 tiến sĩ khoa học, hồ sơ khoa học của Giáo sư Lê Thị Hoài An được Hội đồng đánh giá là đặc biệt xuất sắc (Exceptional) với số điểm 29/30.
Giáo sư Lê Thị Hoài An đã có đóng góp xuất sắc trong việc xây dựng một lĩnh vực cơ bản mới của Tối ưu hóa không lồi và không khả vi tên là "DC (Difference of convex functions) programming and DCA (DC Algorithm)" - tên tiếng Việt viết tắt là "Quy hoạch DC và DCA" - lý thuyết, thuật toán và ứng dụng. Lĩnh vực này được Giáo sư Phạm Đình Tảo (là đồng nghiệp và cũng là người bạn đời của bà) sáng lập ở trạng thái sơ khai vào năm 1985, và phải đợi đến năm 1994, với những đóng góp của Giáo sư Lê Thị Hoài An, các công trình nghiên cứu nền tảng và chuyên sâu của họ đã tạo ra những bước phát triển quyết định để trở thành công cụ kinh điển, ngày càng phổ biến trên thế giới. Sự đổi mới sáng tạo của những công trình này đã kích hoạt những tiến bộ độc đáo, mang tính cách mạng trong các ngành khoa học ứng dụng khác nhau, đặc biệt là khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.
Quy hoạch DC và DCA được biết đến và công nhận trên toàn thế giới như là các công cụ lý thuyết và thuật toán nền tảng rất hiệu quả của Tối ưu không lồi và không khả vi, chúng đã được sử dụng rất thành công bởi số lượng ngày càng tăng các nhà nghiên cứu, thực hành trên khắp thế giới trong các lĩnh vực khác nhau như: khoa học dữ liệu, hệ thống truyền tin, vận tải-hậu cần, quản lý sản xuất, năng lượng, môi trường, tài chính, sinh học, cơ khí, an toàn tin học, người máy, y học, v.v, nhất là tại các phòng nghiên cứu tại các trường đại học danh tiếng như Berkeley, MIT, Princeton, Stanford, Nework, và các công ty lớn như Microsoft, Google, Alibaba, NAVAL Group, v.v.
Giáo sư Lê Thị Hoài An quê ở Đức Bồng, Vũ Quang, Hà Tĩnh. Bà sang Pháp năm 1991 trong một chương trình hợp tác giữa Đại học Joseph Fourier Grenoble 1 và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi mà bà đã tốt nghiệp thủ khoa khoa Toán năm 1980 và được giữ lại làm giảng viên. Bà lấy bằng Tiến sĩ hạng ưu chuyên ngành Tối ưu hóa và Vận trù học năm 1994 và bằng Tiến sĩ khoa học năm 1997 tại Học viện Quốc gia các khoa học ứng dụng Rouen (INSA Rouen). Tại đây, tháng 9/1998, bà được bổ nhiệm Phó Giáo sư Toán học tại khoa Công nghệ Toán học. Tháng 9/2003 bà được bổ nhiệm Giáo sư Khoa học máy tính tại Đại học Metz (từ 2012 là Đại học Lorraine). Kể từ năm 2012 bà là Giáo sư ngoại hạng - chức danh giáo sư cao nhất của Chính phủ Pháp - tại Đại học Lorraine. Bà là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tin học lý thuyết và ứng dụng của Đại học Metz và sau đó là Đại học Lorraine từ đầu 2008 đến hết 2017. Tháng 7/2013, bà được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương “Ordre des Palmes Académiques” - giải thưởng quốc gia cho các học giả và nhân vật có đóng góp lớn trong lĩnh vực Văn hóa và Giáo dục. Lĩnh vực nghiên cứu chính của Giáo sư Lê Thị Hoài An là Tối ưu hóa và Khoa học dữ liệu, đặc biệt là Học máy : lý thuyết, thuật toán, và ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Giáo sư Lê Thị Hoài An đã và đang chủ trì nhiều dự án lớn ở Pháp. Bà đã dành nhiều tâm huyết và đóng góp cho Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo Thạc sỹ Pháp-Việt, hợp tác khoa học với nhiều trường đại học, Viện nghiên cứu. Bà đã và đang đào tạo 24 tiến sĩ Toán ứng dụng người Việt. |