Hà Nội cần sớm chuẩn bị phương án cách ly F0, F1 tại nhà

VH | 09/11/2021, 17:13
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, việc triển khai cách ly tại nhà khi hệ thống y tế đã quá tải là rất muộn.

Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là TP.HCM đã tiên phong cho việc thí điểm cách ly F1 tại nhà. Các F0 không có hoặc xuất hiện triệu chứng nhẹ cũng được cho phép tự theo dõi sức khỏe và điều trị tại nơi cư trú.

Hiện nay, Việt Nam chủ trương sống chung an toàn với SARS-CoV-2. Nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân, một số chuyên gia y tế đã nhiều lần đề xuất các tỉnh, thành phố, đặc biệt là thủ đô Hà Nội, cũng cần triển khai việc cách ly tại nhà. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội khẳng định việc này chưa phù hợp với thành phố ở thời điểm hiện tại.

Nguyên nhân

Chia sẻ với báo chí, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội, nêu ra 2 nguyên nhân lý giải cho việc Hà Nội chưa tổ chức cách ly tại nhà ở thời điểm này.

Thứ nhất, ông Tuấn khẳng định Hà Nội vẫn đủ nguồn lực để tổ chức cách ly tập trung với tình hình dịch hiện nay. Khi số lượng ca nhiễm gia tăng đến một mức độ nhất định, thành phố sẽ tính đến việc cách ly tại nhà.

“Hiện nay, các cơ sở cách ly tập trung của Hà Nội vẫn chứa được khoảng 60.000-70.000 F1 trở lên. Đến thời điểm thành phố có khoảng trên 100.000 F1, phương án cách ly tại nhà sẽ được tính đến”, vị lãnh đạo cho biết.

Thứ hai, Hà Nội có đặc thù “đất chật người đông”, việc an toàn khi cách ly tại nhà khó được đảm bảo. Do đó, các F0 diễn biến nhẹ, không có triệu chứng vẫn cần điều trị tập trung.

“Quan điểm của Hà Nội từ trước tới nay và trong tương lai vẫn kiên định giữ nguyên việc cách ly tập trung F1 và điều trị tập trung F0. Nguyên nhân là đặc thù của Hà Nội khác so với các địa phương”, Phó giám đốc CDC Hà Nội nói.

Ông Tuấn cho biết thêm trong thời gian tới, thành phố sẽ không đưa những trường hợp F0 không có triệu chứng vào bệnh viện điều trị tập trung. Thay vào đó, Hà Nội sẽ thành lập trạm y tế lưu động để chăm sóc sức khỏe của người dân.

"Quá tải mới cho phép cách ly tại nhà là muộn"

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho biết Chính phủ và Bộ Y tế thời gian qua đều đã khuyến khích các địa phương cho phép người dân cách ly tại nhà. Thậm chí, những trường hợp đã nhiễm nCoV nhưng không có hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ cũng có thể tự theo dõi và cách ly tại nhà.

“Đây là một trong những giải pháp phù hợp khi chúng ta đã quyết định sống chung an toàn với SARS-CoV-2”, ông khẳng định.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng hiện nay, trừ một số trường hợp công nhân, người lao động quá khó khăn, đa số gia đình tại Việt Nam đủ điều kiện để tự cách ly như phòng riêng, có người chăm sóc. Do đó, chúng ta nên tạo điều kiện để người dân tự lựa chọn hình thức cách ly phù hợp.

PGS Hùng chia sẻ: “Vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nhắc nhở Hà Nội về vấn đề triển khai cho người dân cách ly tại nhà trong bối cảnh dịch vẫn chưa quá tầm kiểm soát. Đây cũng là lúc chúng ta cần phát huy vai trò của cả hệ thống y tế, thực hiện tập duyệt, tránh để xảy ra quá tải như TP.HCM thời gian qua. Việc để quá tải rồi mới triển khai cách ly tại nhà là quá muộn”.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng cho rằng Hà Nội cần lên phương án cách ly tại nhà khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ Y tế.

Ông Phu cho biết: “Thời gian qua, dịch Covid-19 tại thành phố diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều F0, từ đó nảy sinh lượng lớn F1. Do vậy, chúng ta cũng phải tính đến phương án cách ly tại nhà để thích ứng với điều kiện hiện nay, đồng thời tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung”.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh việc để người dân lựa chọn nơi cách ly cần có sự hài hòa. Trường hợp người dân chọn cách ly tại nhà vẫn phải đảm bảo các điều kiện cần thiết mới được xem xét.

“Nếu không đủ điều kiện cơ sở vật chất để đảm bảo cách ly tại nhà, những người nhiễm nCoV dễ có nguy cơ lây lan virus cho gia đình và cộng đồng. Chúng ta phải giữ hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của cộng đồng nhằm đảm bảo kiểm soát dịch”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khẳng định.

Bài liên quan
Công an TP Hà Nội phá nhóm đòi nợ thuê theo hợp đồng
(GDTĐ) - Ngày 8/11, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) thông tin, đơn vị vừa phối hợp Công an quận Nam Từ Liêm triệt phá ổ nhóm tội phạm chuyên bắt giữ người trái pháp luật, đe dọa, cưỡng đoạt tài sản… theo các hợp đồng đòi nợ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội cần sớm chuẩn bị phương án cách ly F0, F1 tại nhà