Với việc cả Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga đều không đến tham gia trực tiếp cuộc họp kéo dài hai ngày ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, EU muốn nắm bắt thời điểm này để lôi kéo các nước Châu Phi, nguồn tin từ những quan chức giấu tên nắm rõ quá trình chuẩn bị hội nghị đã tiết lộ như vậy.
Khối 27 quốc gia Châu Âu hướng tới mục đích muốn chứng tỏ rằng khối này nghiêm túc trong việc xác định lại quan hệ đối tác với châu Phi, bất chấp di sản rắc rối của chủ nghĩa thực dân, các quan chức trên cho hay.
Trong số những quan chức tham gia hội nghị thượng đỉnh G-20 sắp tới có Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Từ phía Châu Phi, các quan chức tham gia hội nghị sẽ bao gồm các nhà lãnh đạo từ Nam Phi, thành viên G-20 cũng như từ Ai Cập, Nigeria và Comoros - Chủ tịch hiện tại của Liên minh châu Phi.
Những gì được coi là “hội nghị thượng đỉnh nhỏ” diễn ra khi sự cạnh tranh ngày càng gia tăng để giành ảnh hưởng toàn cầu trong bối cảnh Mỹ-Trung bế tắc và chia rẽ về cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Trong khi cả Trung Quốc và Nga đều đã xâm nhập vào các quốc gia châu Phi, bao gồm cả việc khuấy lên tinh thần chống thực dân, thì việc Tổng thống Nga Putin rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen đã gây tác động nặng nề nhất đến các quốc gia đang phát triển.
Diễn biến này có khả năng tạo cơ hội cho châu Âu tác động đến quan điểm của các quốc gia Châu Phi – những nước trước đó đã từ chối lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Trong số các mục tiêu của cuộc gặp tại Ấn Độ vào ngày 9/9, các nhà lãnh đạo châu Âu muốn tán thành nỗ lực của Liên minh châu Phi (AU) để trở thành thành viên thường trực của G-20.
Thủ tướng Giorgia Meloni của Italia nằm trong số những lãnh đạo dẫn đầu ủng hộ việc trao tư cách thành viên G-20 cho AU tại hội nghị G-7 gần đây nhất ở Nhật Bản, đồng thời vấn đề này cũng là ưu tiên của chủ nhà hội nghị thượng đỉnh tuần này - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Vào tháng 5, trong chuyến thăm trụ sở Liên minh châu Phi ở Ethiopia, Thủ tướng Đức Scholz đã bày tỏ quan điểm ủng hộ lời kêu gọi khối AU trở thành thành viên thường trực của G-20 để có thêm tiếng nói trong nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Nhà lãnh đạo Đức lập luận rằng châu Phi phải đóng vai trò quốc tế lớn hơn để phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực này trong một trật tự thế giới ngày càng rạn nứt và đa cực.
Tư cách thành viên thường trực, thay vì tư cách là một “tổ chức quốc tế được mời”, sẽ mang lại cho Liên minh châu Phi địa vị tương tự như EU. Đó là một phần trong nỗ lực giúp các nước châu Phi có tiếng nói mạnh mẽ hơn khi các tổ chức quốc tế quyết định các biện pháp ảnh hưởng đến họ, bao gồm cả nỗ lực giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu - chủ yếu do khí thải từ các quốc gia G-20 gây ra.
Ngoài ra, trong chương trình nghị sự của cuộc họp G-20 sắp tới còn có cuộc thảo luận về hậu quả của cuộc chiến giữa Nga với Ukraine đối với an ninh lương thực toàn cầu - một tình huống có nguy cơ leo thang sau khi Tổng thống Putin từ chối khôi phục thỏa thuận ngũ cốc sau cuộc hội đàm hôm thứ Hai (4/9) với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Các chủ đề khác bao gồm nỗ lực cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu, cải thiện điều kiện cho đầu tư tư nhân và các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi, cũng như tình hình ở khu vực Sahel.