Hạn chế ăn thịt đỏ tới mức nào để giảm nguy cơ mắc tiểu đường?

26/11/2023, 08:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bệnh tiểu đường tuýp 2 ngày càng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, vậy giảm lượng thịt đỏ tới mức nào trong thực đơn để có một khẩu phần ăn lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng nhất?

Tiểu đường là căn bệnh khá nhiều người mắc phải và ngày càng trẻ hoá, nó gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm về tim mạch, thận, ung thư và chứng mất trí nhớ.

Nguyên nhân dẫn tới căn bệnh này có thể do lối sống kém lành mạnh, nạp quá nhiều đường và chất béo, không bổ sung chất xơ, lười vận động…. Căn bệnh này nên được phát hiện sớm để có những biện pháp điều trị hiệu quả ngay từ khi mới mắc bệnh.

Bệnh tiểu đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. (Nguồn: Sohu)

Bệnh tiểu đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. (Nguồn: Sohu)

Một nghiên cứu mới do các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy, người ăn 2 phần thịt đỏ mỗi tuần nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn những người ăn ít.

Nhóm nghiên cứu thu thập và phân tích dữ liệu sức khỏe từ hơn 210.000 người tham gia trong một số dự án nghiên cứu sức khỏe dài hạn của Mỹ.

Trong thời gian theo dõi kéo dài 36 năm, cứ 2 đến 4 năm những người tham gia sẽ báo cáo về chế độ ăn, tình trạng sức khỏe của mình một lần, ghi chép lại các loại thực phẩm, tần suất họ tiêu thụ.

Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy, hơn 22.000 người tham gia đã mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong giai đoạn này.

Phân tích cũng cho thấy, ăn cả thịt đỏ đã qua chế biến và chưa qua chế biến đều liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Trong số những người tham gia khảo sát, người ăn nhiều thịt đỏ nhất nguy cơ mắc bệnh này cao hơn 62% so với những người ăn ít thịt đỏ nhất.

Sau khi điều chỉnh các yếu tố khác như hoạt động thể chất và lượng rượu nạp vào cơ thể, các nhà nghiên cứu phát hiện ra có mối quan hệ giữa lượng tiêu thụ thịt đỏ và bệnh tiểu đường tuýp 2. Cụ thể, mỗi khẩu phần thịt đỏ qua chế biến liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn 46%, trong khi con số ở thịt đỏ chưa qua chế biến là 24%.

Theo các chuyên gia, công trình nghiên cứu trên không khẳng định ăn thịt đỏ là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh tiểu đường, mà nó cho thấy mối liên hệ giữa lượng thịt đỏ bạn nạp vào và nguy cơ mắc bệnh.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến nghị, mỗi người nên hạn chế tiêu thụ thịt đỏ xuống 1 lần/tuần (khẩu phần khoảng 70gram). Bạn có thể thay thế thịt đỏ bằng protein thực vật từ các loại hạt, đậu, sữa, để có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Khi thay thế thịt đỏ bằng các loại hạt và đậu sẽ giúp giảm 30% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, khi thay thế bằng các sản phẩm từ sữa giúp giảm 22%.

Thu Hiền (Nguồn: Xinhuanet & Sohu)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hạn chế ăn thịt đỏ tới mức nào để giảm nguy cơ mắc tiểu đường?