Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) đề cập việc thực hiện tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Ông chỉ ra nhiều điểm bất cập khi thực hiện chủ trương này. Để đẩy mạnh tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập cần, vị đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân bất cập và hoàn thiện giải pháp đẩy mạnh tự chủ.
Về thực hiện chỉ tiêu tăng năng suất lao động, ông Lượng cho biết dự kiến chỉ đạt 4,7-5,2%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra. “Điều này rất đáng lo vì đây là yếu tố quan trọng nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững của đất nước”, theo ông Lượng.
Ông nêu thực tế nhiều lĩnh vực ngành nghề thiếu nhân lực cao, việc làm chủ công nghệ chưa đạt kết quả khả quan… Từ đó, ông cho rằng cần nỗ lực lớn hơn trong tăng năng suất lao động để phát triển nhanh, bền vững KTXH đất nước.
Nam đại biểu ghi nhận năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, xử lý bất cập như triển khai thu phí không dừng, xây dựng cao tốc Bắc - Nam, song ông nhấn mạnh cử tri mong Chính phủ giải quyết những tồn tại kéo dài như di dời trụ sở khỏi nội thành Hà Nội, xử lý các dự án treo…
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) thẳng thắn cho rằng việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, nhiều quy định, thủ tục còn rườm rà. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm nghẽn dù Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt. Đời sống người lao động, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn.
“Từ 1/7/2019 đến nay, tiền lương cơ bản chưa được điều chỉnh, trong khi đó hàng năm chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng khoảng 4% làm cho tiền lương thực tế và chất lượng cuộc sống giảm xuống. Điều này tạo sự chuyển dịch nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư”, theo ông Phương.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương. Ảnh: Phạm Thắng. |
Ngoài ra, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho biết nhiều cử tri bức xúc trước tình trạng thổi giá đất, chậm đấu thầu thuốc và trang thiết bị vật tư y tế… Ông đề nghị trong năm 2023 cần tiếp tục tập trung phòng chống dịch, bình ổn giá cả và thị trường; theo dõi sát biến động của nền kinh tế thế giới để giữ kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát. Vị đại biểu đề nghị không điều chỉnh tăng giá bất hợp lý vì đây là yếu tố có thể khiến lạm phát gia tăng.
Trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc Quốc hội hôm 20/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% - vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%). Thu ngân sách 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3% - tăng 2,9% so với năm 2021.
Dù vậy, Thủ tướng đánh giá ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh.
Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; việc cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng.
Nhận định tình hình thế giới năm 2023 có thể diễn biến nhanh, khó lường, Chính phủ dự báo tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%...
Về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2023, Chính phủ dự tính chi thêm khoảng 60.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong năm 2023 sẽ chưa thực hiện cải cách tiền lương. Thay vào đó, lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%).
Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo cũng khoảng 12,5%; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. Thời điểm tăng lương từ 1/7/2023.
Thể hiện chính kiến về việc này trước phiên thảo luận chung về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị tăng lương cơ sở sớm từ 1/1/2023 thay vì thời điểm 1/7/2023 như dự kiến.