Hành trang giúp mẹ hai con chinh phục hành trình du học tiến sĩ tại NewZealand

Tùng Bách | 15/01/2022, 15:02
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Ngày làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ, tối làm mẹ chăm sóc hai con nhỏ - Phan Ngọc Quỳnh Anh (sinh năm 1989) có bí quyết gì để hoàn thành tốt cả hai vai trò cùng lúc mà vẫn tận hưởng trọn vẹn hành trình du học đầy trải nghiệm thú vị tại New Zealand

Từng là giảng viên tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc Gia Hà Nội cho đến 2014, Quỳnh Anh nhận được học bổng theo học chương trình Thạc sĩ Erasmus Mundus được tài trợ bởi Uỷ ban Châu Âu. Trải nghiệm học tập tại 3 nước là Đan Mạch, Tây Ban Nha và Anh trong 2 năm giúp cho Quỳnh Anh tiếp tục nhận được học bổng toàn phần bậc Tiến sĩ của Đại học Auckland - Top 1 đại học tại New Zealand và hiện đang là nghiên cứu sinh năm ba chuyên ngành Giáo dục (PhD in Education).

Thời điểm bắt đầu chương trình nghiên cứu sinh Tiến sĩ, Quỳnh Anh cũng đã có gia đình và 2 em bé nhỏ (6 và 20 tháng tuổi). Vì muốn đưa gia đình theo cùng khi đi học nên cô cũng cân nhắc những đất nước có hệ thống y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội tốt cho trẻ em.

"Môi trường tại New Zealand nổi tiếng là tuyệt vời để các bạn nhỏ được học tập và phát triển. Mình thích sự yên bình mà New Zealand đem lại. Bởi vậy, mình quyết định sang New Zealand làm nghiên cứu và đưa con đi cùng. Nhờ có học bổng toàn phần nên mọi việc trở nên rất dễ dàng từ xin visa, thiết lập cuộc sống, đến việc được hỗ trợ gửi con tại nhà trẻ. Chính sách hỗ trợ của chính phủ New Zealand dành cho gia đình của sinh viên quốc tế bậc sau Đại học giống y như người bản xứ, nghĩa là nếu trẻ học mầm non thì chính phủ hỗ trợ 50% học phí, và khi trẻ 5 tuổi bắt đầu học lớp 1 cho đến hết lớp 13 thì được miễn học phí hoàn toàn. Việc được tài trợ học phí, tiền sinh hoạt, bảo hiểm, và thêm những điều kiện khác nữa sẽ tạo đà cho việc học tập của mình vì không cần lo lắng quá nhiều về tài chính khi sống ở nước ngoài", Quỳnh Anh cho biết thêm.

qa-pic-2.jpeg

Phan Ngọc Quỳnh Anh - nghiên cứu sinh Tiến sĩ New Zealand kiêm bà mẹ trẻ 2 con.

Xác định việc vừa học vừa làm mẹ sẽ gặp nhiều thử thách, Quỳnh Anh đã chủ động nhờ sự hỗ trợ từ phía ông bà ngoại trong quá trình chăm sóc 2 bé. “Mình và ông bà sẽ chia sẻ với nhau những phần việc phù hợp với cả hai bên. Chẳng hạn, trong tuần ông bà sẽ hỗ trợ việc nội trợ và chơi cùng con. Cuối tuần mình sẽ dành thêm thời gian đưa các con đi chơi cùng ông bà." – cô chia sẻ.

Nhờ sự giúp đỡ và chăm sóc của ông bà, Quỳnh Anh phần nào chu toàn được vai trò vừa làm nghiên cứu, vừa chăm sóc gia đình. Ngoài ông bà ngoại, chồng cũng là người đã động viên và luôn ủng hộ cô: "Chồng mình là người rất dễ chịu với chuyện học hành và sự nghiệp của vợ nên khi mình học cao hơn thì luôn có sự ủng hộ của chồng và gia đình. Việc du học mình không bàn bạcnhiều với ai cả, đến ngày giờ là mình... bay thôi".

qa-s-pic-1.jpeg

Mặc cho lịch trình bận rộn, Quỳnh Anh vẫn có thể cân bằng việc học và gia đình một phần nhờ có những chính sách hỗ trợ của New Zealand.

Ngoài ra, môi trường nghiên cứu tại trường Đại học Auckland cũng là một trong những điều khiến bà mẹ trẻ có thêm động lực học tập. Quỳnh Anh luôn cảm thấy rất may mắn khi chọn New Zealand làm điểm đến trong hành trình này: "Không gian học thuật tại trường Đại học Auckland rất cởi mở, tự do và tài liệu nghiên cứu khi nào cũng dồi dào. Mình có hai giáo sư hướng dẫn là người đồng hành không thể tốt hơn trong quá trình học tập. Thay vì bó hẹp minh phải theo chuẩn mực hay ngành hẹp nghiên cứu nào, hai giáo sư luôn động viên mình thử tìm tòi các đường hướng tiếp cận, các cách diễn đạt khác nhau, trân trọng kiến thức sẵn có (cụ thể là nền tảng kiến thức Á Đông) của mình, hỗ trợ tuyệt đối về mặt phương pháp, tài nguyên khoa học, và cả về mặt tinh thần. Hai giáo sư là người luôn nhắc nhở mình cần cân bằng giữa việc học tập và chăm sóc con cái. Chưa bao giờ các cô gây áp lực về chuyện học hành, mà ngược lại, cô luôn nói rằng con cái là quan trọng nhất, bài vở mai làm tiếp cũng được, nhưng về nhà thì cứ thoải mái chơi cùng con. Vì thế mình luôn thấy nhẹ nhàng, ấm áp, luôn thấy được các cô trân trọng. Mình được giáo sư cho thử sức với nhiều mảng nghiên cứu khác nhau, độc lập và tự do trong quá trình cấu trúc việc học, viết luận án và đa dạng hoá trải nghiệm nghiên cứu sinh. Chính vì thế mình có các xuất bản khoa học liên tục, sử dụng các phương pháp nghiên cứu mà nếu không có các cô thì chắc mình sẽ không bao giờ biết đến và không nghĩ tới chuyện thử sức."

Chia sẻ về lời khuyên cho các bạn trẻ có ý định du học bậc Tiến sĩ ở New Zealand, Quỳnh Anh bật mí thêm: “Để thuận lợi nhất, các bạn nên có học bổng toàn phần để bớt áp lực về tài chính khi sang học, cũng như bớt gánh nặng khi xin visa. Về cơ bản, hành trình làm Tiến sĩ là hành trình trưởng thành cả về học thuật lẫn phát triển cá nhân. Hiểu và tin vào chính mình, bạn sẽ tự biết gỡ rối cho bản thân khi gặp nút thắt.”

WEBINAR “ASK NEW ANYTHING: THE PHD JOURNEY là buổi chia sẻ, giải đáp thắc mắc về hành trình du học Tiến sĩ New Zealand do Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ) tổ chức. Tại đây bạn sẽ được tìm hiểu về hành trình du học, cũng như kinh nghiệm để ứng tuyển học bổng Tiến sĩ ở các trường đại học hàng đầu New Zealand.
· Thời gian: 10:00-11:00 sáng thứ Bảy, ngày 22/01/2022
· Hình thức: Zoom Webinar
· Khách mời: Các Tiến sĩ, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ người Việt từ New Zealand
· Đăng ký tham gia ngay tại: https://bit.ly/Webinar-NZ-PhDedition
Bài liên quan
3 ứng viên giáo sư, phó giáo sư trẻ nhất năm 2021
Trong số 451 ứng viên xét công nhận tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2021, có 3 ứng viên trẻ tuổi nhất nhưng khá nổi bật.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành trang giúp mẹ hai con chinh phục hành trình du học tiến sĩ tại NewZealand