Hiệu quả từ hướng nghiệp: Tôn trọng mong muốn và năng lực

08/04/2024, 15:02
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều phụ huynh không lắng nghe mong muốn, sở thích hoặc căn cứ vào năng lực của con...

Nhiều bậc phụ huynh do thiếu kiến thức, chuyên môn trong việc định hướng nghề nghiệp dẫn đến đưa ra tư vấn cho trẻ theo trào lưu, nghề “hot” hoặc sở thích cá nhân mà không quan tâm đến năng lực, đam mê và nhu cầu thị trường. Sau thời gian học, trẻ có tâm lý chán nản, không hứng thú học tập, dẫn tới kết quả không tốt, thất nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Theo TS Vũ Việt Anh - Tổng Giám đốc Học viện Thành công (Hà Nội), chọn sai ngành nghề khiến học sinh không thể phát huy tối đa năng lực và đam mê, gây lãng phí cho bản thân, gia đình và xã hội. Vì vậy, phụ huynh cần hiểu rõ, khuyến khích trẻ chia sẻ về sở thích, ước mơ và mong muốn trong tương lai cũng như nhận thức rõ ưu, nhược điểm của bản thân.

Phụ huynh cũng nên tìm hiểu thị trường lao động, nghiên cứu xu hướng nghề nghiệp và tham khảo thông tin tuyển dụng để xem xét yêu cầu cho các vị trí việc làm mong muốn, giúp sĩ tử định hướng mục tiêu học tập. Mặt khác, cho trẻ trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp, từ đó hình dung rõ hơn về công việc, đưa ra lựa chọn chính xác hơn.

“Luôn đồng hành, hỗ trợ, làm chỗ dựa tinh thần cho trẻ, trao đổi với người thân, bạn bè có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, hướng nghiệp và thị trường lao động. Như vậy, phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong định hướng nghề nghiệp, giúp các em lựa chọn con đường phù hợp, phát huy tối đa tiềm năng và hướng đến thành công trong tương lai”, TS Vũ Việt Anh nhấn mạnh.

Cần lắng nghe, tôn trọng mong muốn, sở thích nghề nghiệp của trẻ để phát triển năng lực sở trường và tìm kiếm cơ hội việc làm phát triển bản thân sau khi tốt nghiệp cũng là lưu ý của GS.TS Trần Minh Tú - giảng viên cao cấp, Khoa Xây dựng dân dụng và Công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Ông Tú cảnh tỉnh, nhiều phụ huynh còn suy nghĩ để có tương lai tốt đẹp, thì nhất thiết phải vào đại học. Họ không căn cứ trên năng lực, mong muốn nguyện vọng để định hướng. Vì vậy, sau thời gian vào đại học nhiều em không hứng thú, không theo kịp chương trình dẫn đến áp lực, chán nản trong học tập, kiến thức không vững, khó tốt nghiệp hoặc không xin được việc. Chưa kể, nhiều em học đến năm thứ ba vẫn quyết định bỏ để theo đuổi ngành học khác.

Từ thực tế đó, ông Tú cho rằng, phụ huynh không nên đặt nặng việc vào đại học, cao đẳng hay học nghề mà cần cùng trẻ đưa ra lựa chọn phù hợp để sau khi tốt nghiệp có thể phát triển đam mê. Khi được làm công việc yêu thích, trẻ sẽ vượt qua khó khăn, áp lực trong công việc, hơn thế là có thể phát triển nghề nghiệp.

“Với kinh nghiệm nhiều năm làm chủ nhiệm và giảng dạy, tôi nhận thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người học mất định hướng, mông lung với ngành đang học là không chọn đúng trường, ngành, nguyện vọng, sở thích. Nhiều em lựa chọn ngành theo xu thế đám đông, mong muốn của gia đình… dẫn đến mất hứng thú trong học tập”. - GS.TS Trần Minh Tú - Giảng viên cao cấp, Khoa Xây dựng dân dụng và Công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hieu-qua-tu-huong-nghiep-ton-trong-mong-muon-va-nang-luc-post678367.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hieu-qua-tu-huong-nghiep-ton-trong-mong-muon-va-nang-luc-post678367.html
Bài liên quan
Hiệu quả quản lý trên các nền tảng số xuyên biên giới
Việt Nam là nước có chủ quyền và luật pháp trên không gian mạng, các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu quả từ hướng nghiệp: Tôn trọng mong muốn và năng lực