Hỗ trợ để trẻ yếu thế đến trường

Quốc Ngữ - Hồ Phúc | 02/09/2022, 07:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Các trung tâm nuôi dạy trẻ yếu thế đang chuẩn bị mọi điều kiện, thầy cô đều chung kỳ vọng hỗ trợ tối đa để các em hòa nhập với trường học.

Đem cơ hội học tập cho trẻ yếu thế

Trường học Làng May Mắn thuộc Trung tâm Bảo trợ Nhà May Mắn (quận Bình Tân, TPHCM) mở các lớp từ lớp 1 đến lớp 5 và giảng dạy theo chương trình phổ thông với 148 trẻ. Học sinh theo học tại đây đa phần là con nhà nghèo, mồ côi, khuyết tật, không được học đúng tuổi. Có em là trẻ lang thang bán vé số, lượm ve chai để kiếm sống.

Thầy Nguyễn Văn Lương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đầu năm học mới, các em được hỗ trợ từ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập và ăn bán trú. Ngoài ra, trung tâm còn mua bảo hiểm y tế cho học sinh theo học tại đây.

Chia sẻ về công tác chuẩn bị đón học sinh hoàn cảnh khó khăn, ông Trần Tất Cường, phụ trách truyền thông Trung tâm Bảo trợ Nhà May Mắn cho biết, từ đầu tháng 8, nhiều đội, nhóm, câu lạc bộ từ thiện đã đến hỗ trợ cho 10 em sinh sống tại trung tâm và 148 em đang học tập tại Trường Làng May Mắn. “Sách, vở, cặp sách, quần áo cho học sinh đã đầy đủ. Sự hỗ trợ từ những tấm lòng hảo tâm không chỉ giúp trẻ khó khăn trọn vẹn ngày vui khai giảng mà còn nhân lên phong trào “lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng”, ông Cường cho biết.

Mái ấm An Vũ (Đồng Phú, Bình Phước) nhận chăm sóc nuôi dưỡng những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, bị bỏ rơi; trẻ không có gia đình và người già cô đơn. Trong số 74 trẻ mồ côi được nhận nuôi dưỡng nơi đây có 54 em đang học tập tại các trường phổ thông trên địa bàn.

Bà Hoàng Thị Lụa, Giám đốc Mái ấm An Vũ cho biết: “Năm học mới này các sơ đã vận động nhà hảo tâm, trường học hỗ trợ đồng phục, sách vở để trẻ bước vào năm học mới. Cũng như trước đây, năm học này, mái ấm bố trí xe đưa đón trẻ đến trường khai giảng và học tập. Các em đã chịu nhiều thiệt thòi nên chúng tôi luôn nỗ lực để xoa dịu tổn thương, là chỗ dựa để trẻ vững tin bước vào cuộc sống”.

Chăm sóc, hỗ trợ trẻ yếu thế: Tạo niềm tin và động lực ảnh 1
Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Tháp khen thưởng học sinh có thành tích học tập xuất sắc.

Để trẻ trọn niềm vui

Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục thành phố Cần Thơ tập trung phát triển các phương thức giáo dục hòa nhập, chuyên biệt và bán chuyên biệt để đáp ứng quyền được học tập của người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Trường Tương Lai (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) tiếp nhận học sinh từ 6 - 25 tuổi bị khuyết tật trí tuệ, vận động, thần kinh và khuyết tật khác. Bên cạnh chương trình giáo dục chuyên biệt, nhà trường có các hoạt động rèn luyện kỹ năng tự phục vụ, giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Theo lãnh đạo nhà trường, những học sinh mới, dạng nặng, giáo viên phải dạy từ động tác đơn giản nhất. Những sinh hoạt thường ngày như chải tóc, cài nút áo... mà có trò phải mất hàng tuần đến vài tháng mới làm được. Hiện nhà trường chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực để đón học sinh, đặc biệt là trò đầu cấp.

Trường Dạy trẻ Khuyết tật Cần Thơ (quận Bình Thủy) cũng đảm nhận chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy văn hóa, dạy nghề, phục hồi chức năng và can thiệp sớm cho học sinh khiếm thị và khiếm thính. Mỗi lớp học chỉ có 5 - 10 học sinh nhưng giáo viên phải mất nhiều thời gian để có thể giúp các em hiểu, nhớ. Như lớp khiếm thính, giáo viên dạy một từ mà đôi khi cô trò phải lặp lại hàng tiếng đồng hồ, học sinh mới nói, hoặc viết được. Thầy Trần Lê Duy Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Phải thực sự yêu nghề, thương trò mới có thể bám trụ lâu dài ở trường”.

Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết, để chuẩn bị cho trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn bước vào năm học 2022 - 2023, các trường rà soát danh sách, phối hợp hội khuyến học, nhà hảo tâm đến nhà thăm hỏi, trao đổi, tặng quà tạo niềm tin và động lực cho các em. Đồng thời tổ chức hỗ trợ đưa trẻ đến trường; phổ biến cho thầy cô và học sinh biết về các trường hợp trẻ khuyết tật, trẻ chuyên biệt để hỗ trợ kịp thời về mặt tâm lý cũng như vật chất.

Đến nay, Trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật tỉnh Đồng Tháp cũng sẵn sàng đón học sinh đến trường. Nhà trường có 49 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên với 245 học sinh. Đây là trường học chuyên biệt duy nhất của tỉnh tổ chức giảng dạy cho học sinh khuyết tật.

Theo cô Hiệu trưởng Lâm Thị Thu Hân, để đáp ứng yêu cầu giáo dục, chăm sóc trẻ chuyên biệt, giáo viên trường không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, tự bồi dưỡng chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, giúp các em học sinh khó khăn trong học tập được tiếp cận dễ dàng hơn. Nhà trường đa dạng hóa các hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống giúp học sinh học tốt, hoàn thiện và phát triển bản thân.

Bài liên quan
Thành phố Hà Tĩnh sẽ xây dựng trường chuyên biệt cho trẻ khuyết tật
Đại diện lãnh đạo Thành phố Hà Tĩnh cho biết, địa phương sẽ sớm triển khai lộ trình xây dựng trường học chuyên biệt cho trẻ khuyết tật.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hỗ trợ để trẻ yếu thế đến trường