TS.BS Đặng Ánh Dương - Phó trưởng khoa phụ trách khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn. Vùng bụng dọc theo vết mổ sưng nề, rỉ nước, đùi, sinh dục bị hoại tử, đen, chảy nhiều mủ, mùi hôi. Tinh hoàn đã bị cắt, chỉ còn lại 1 phần nhỏ dương vật, niệu đạo bị ăn mòn.
Sau khi được điều trị tích cực và hội chẩn các chuyên khoa, ngày 21/10, trẻ được tiến hành phẫu thuật cắt lọc phần hoại tử và một phần vạt da (do vết loét quá rộng), chạy máy áp lực âm để hút dịch, máu, mủ khu vực nhiễm trùng, kích thích các tế bào ở vùng tổn thương phát triển.
Hiện, tình trạng nhiễm khuẩn của trẻ cải thiện hơn. Tuy nhiên, tiên lượng vẫn rất nặng. Các bác sĩ cho biết, đắp lá cây vào vết thương là việc làm rất nguy hiểm, có thể khiến vết thương viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không viêm nhiễm trở nên viêm nhiễm.
Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết. Đồng thời, gây viêm mủ màng tim, áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm xương tủy xương. Thậm chí tử vong hoặc để lại những di chứng suốt đời cho trẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Không nghe theo những người thiếu chuyên môn, đắp các loại lá, loại thuốc không đúng lên vết thương. Như vậy sẽ gây nhiễm trùng, khiến bệnh nặng, khó điều trị và tốn kém chi phí.