Hoàn thiện hệ thống văn bản đẩy nhanh chuyển đổi số

Vân Anh (thực hiện) | 05/05/2023, 15:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) trao đổi việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành Giáo dục...

Ứng dụng CNTT phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học được triển khai đồng bộ, triệt để. Từ đăng ký dự thi, nguyện vọng xét tuyển đến nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.

Năm 2022, Bộ GD&ĐT hoàn thành triển khai, cung cấp và tích hợp dịch vụ công mức độ 4 về “Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT” và “Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non” trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Hệ thống dịch vụ công đã tiếp nhận hồ sơ của hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2022, trong đó số học sinh đăng ký trực tuyến đạt hơn 93%; gần 3 triệu nguyện vọng xét tuyển được thí sinh đăng ký trực tuyến; 97% thí sinh thực hiện các hình thức thanh toán trực tuyến (không dùng tiền mặt) trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Ứng dụng CNTT trong dạy học được tăng cường triển khai với toàn ngành. Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn về xây dựng học liệu số và khoá học trực tuyến. Kho học liệu số toàn ngành được xây dựng và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa hơn 7.000 bài giảng điện tử E-learning có chất lượng và hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT có kế hoạch cung cấp miễn phí phần mềm quản trị cơ sở giáo dục (phổ thông, mầm non). Phần mềm đáp ứng yêu cầu quản trị cơ bản nhà trường, đáp ứng chuẩn dữ liệu của Bộ và kết nối 100% dữ liệu với cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục.

Bộ GD&ĐT đang nâng cấp, mở rộng cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, phổ thông, cung cấp miễn phí cho các sở, phòng với Bộ GD&DT phục vụ quản lý điều hành giáo dục trên môi trường số; cung cấp trục tích hợp và chia sẻ dữ liệu trong ngành Giáo dục, đảm bảo kết nối đầy đủ và thông suốt dữ liệu quản lý ngành. Bộ cũng xem xét xây dựng phần mềm dạy học trực tuyến dùng chung để cung cấp miễn phí tới các trường phổ thông.

Bộ GD&ĐT sẽ sớm triển khai chính thức cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học phục vụ quản lý điều hành. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đang làm thủ tục để ban hành bộ Tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của cơ sở giáo dục.

Hoàn thiện hệ thống văn bản đẩy nhanh chuyển đổi số ảnh 2

Chuyển đổi số trong giáo dục đã đạt được nhiều thành tích.

Theo dõi, đánh giá khách quan kết quả chuyển đổi số

- Bộ GD&ĐT vừa ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Xin ông cho biết rõ hơn về tiêu chí của bộ chỉ số này?

- Mục đích của bộ chỉ số nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục, theo dõi, đánh giá khách quan, thực chất, công bằng kết quả chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục. Phát hiện các điển hình, mô hình chuyển đổi số làm tốt để nhân rộng, tạo phong trào thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành.

Bộ chỉ số bám sát yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2022, các quy định liên quan về chuyển đổi số của Bộ GD&ĐT.

Bộ chỉ số phù hợp điều kiện thực tế các cơ sở giáo dục, bảo đảm đánh giá thực chất, khách quan, minh bạch, công bằng. Bộ chỉ số có tính mở, có thể cập nhật phù hợp với tình hình thực tế theo từng năm học. Có tính thực tiễn, khả thi trong áp dụng.

Bộ chỉ số gồm 2 nhóm tiêu chí: “Chuyển đổi số trong dạy, học” và “Chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục”.

Mức độ chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục được đánh giá theo từng nhóm tiêu chí thành phần, thang điểm tối đa là 100, mỗi nhóm tiêu chí được đánh giá ở ba mức độ:

- Mức chưa đáp ứng (Mức độ 1): Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí dưới 50. Ở mức này, cơ sở giáo dục chưa đáp ứng các yêu cầu cơ bản về triển khai chuyển đổi số.

- Mức đáp ứng cơ bản (Mức độ 2): Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí đạt từ 50 đến 75. Ở mức này, cơ sở giáo dục đã đáp ứng yêu cơ bản về triển khai chuyển đổi số.

- Mức đáp ứng tốt (Mức độ 3): Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí đạt trên 75. Ở mức này, cơ sở giáo dục đáp ứng tốt các yêu cầu cơ bản và một số yêu cầu nâng cao về triển khai chuyển đổi số.

Hằng năm, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tổ chức đánh giá mức độ chuyển đổi số (có thể lồng ghép vào kế hoạch chung ứng dụng CNTT), phân công và giao trách nhiệm thực hiện cụ thể.

Thủ trưởng các cơ sở giáo dục phê duyệt kết quả tự đánh giá; báo cáo kết quả đánh giá lên cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp, cập nhật kết quả tự đánh giá lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục trước ngày 31/5 hằng năm.

Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT tổ chức kiểm tra, đánh giá ngoài và công nhận mức độ chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp; cập nhật kết quả đánh giá trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục trước ngày 20/6 hằng năm; công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục trên Cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hoan-thien-he-thong-van-ban-day-nhanh-chuyen-doi-so-post636955.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hoan-thien-he-thong-van-ban-day-nhanh-chuyen-doi-so-post636955.html
Bài liên quan
Mức lương vượt trội, lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn "khát" nhân lực
Dự kiến, Việt Nam cần thêm ít nhất 500.000 lao động thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Lĩnh vực này vẫn ‘khát’ nhân lực dù lương vượt trội.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoàn thiện hệ thống văn bản đẩy nhanh chuyển đổi số