Bà Trần Thùy Dương, hiệu trưởng trường Chuyên Hà Nội – Amsterdam cho biết số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển sinh vào trường hằng năm rất đông, lên tới gần 5.000 hồ sơ. Vòng sơ tuyển giúp nhà trường lọc ra được 3.000 hồ sơ rồi tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực đối với số này để lấy ra chỉ tiêu 200 học sinh.
“Kinh nghiệm cho thấy, các học sinh đã nộp hồ sơ tuyển sinh vào trường đều có học bạ tiểu học rất tốt, nhiều học bạ chỉ có 1-2 điểm 9”...
Còn tại TP.HCM, ngày 19/8, Sở GD-ĐT cũng phải quyết định tăng chỉ tiêu vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, đồng thời thay đổi cách xét tuyển với lý do có quá nhiều học sinh đạt điểm 10 ở 2 môn Ngữ văn và Toán.
Theo thống kê, đa phần học sinh đăng ký tuyển sinh có kết quả học tập xuất sắc. Có 1.560 học sinh đạt 60 điểm tổng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm môn Tiếng Việt – Toán lớp 3, 4, 5. Con số này cao hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh là 525 học sinh, gây khó khăn cho công tác sàng lọc.
Do vậy, Sở GD-ĐT bổ sung việc xem xét điểm kiểm tra định kỳ cuối năm môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý lớp 4, 5 vào điểm xét tuyển.
Những bộ hồ sơ hoàn hảo
Cách đây 6 năm - năm 2015, Bộ GD-ĐT quy định không tổ chức thi vào lớp 6 dưới mọi hình thức. Ngay sau đó, tất cả trường ở Hà Nội áp dụng xét tuyển theo tuyến, trừ một số trường được cho xét trái tuyến như Trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam và một số trường chất lượng cao…
Thế nhưng chỉ hai năm sau quy định này, dư luận ngạc nhiên vì hàng nghìn hồ sơ toàn điểm 10 nộp vào Trường THCS Lương Thế Vinh. Cố nhà giáo Văn Như Cương, khi đó là lãnh đạo nhà trường, đã phải thốt lên rằng "Tôi hoảng vì quá nhiều hồ sơ được giải và điểm 10".
Theo thống kê năm 2016 và 2017, mỗi năm trường này nhận được khoảng 4.000 hồ sơ đăng kí xét tuyển vào lớp 6 nhưng có đến 1.000 hồ sơ được điểm 10 tuyệt đối cả hai môn Toán, Tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học. Do chỉ tiêu lấy 600 học sinh, trường buộc phải đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để lọc hồ sơ. Nhưng cứ 10 thí sinh đăng ký vào trường thì 3 em có giải thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận, thi Toán, Tiếng Anh qua mạng, thi thể dục thể thao…
"...Ngày xưa được 7 điểm môn Văn đã khó, hiếm hoi đặc biệt lắm cô giáo mới cho điểm 10. Môn Toán cũng vậy, không phải lúc nào cũng 10" - cố nhà giáo Văn Như Cương nhận xét.
Những năm qua, hiện tượng hàng nghìn học bạ "toàn 10" đăng ký dự tuyển vào các trường THCS "hot" của thành phố Hà Nội và TP.HCM vẫn không hề thuyên giảm.
“Có cả trắng lẫn đen”
Cô giáo Thanh Hà (đề nghị không đưa tên thật), giáo viên lớp 3 một trường tiểu học ở quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ nhìn nhận của mình về hiện tượng điểm 10 kín học bạ học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 là “có cả trắng lẫn đen”, tức là có cả những điểm 10 thật và điểm 10 nâng, 10 ngoại giao...
“Bài thi dễ hơn chương trình học, các trường không dám ra những đề thi quá khó hay đánh đố học sinh nên các em dễ được điểm 10 trong các bài kiểm tra hơn. Nhưng dù sao, số lượng điểm 10 nhiều đến mức đó là không phản ánh đúng thực tế dạy học” – cô giáo này khẳng định.
Theo cô Hà, học sinh bây giờ nhiều em giỏi hơn so với học sinh trước đây do có nhiều phương tiện, phương thức hỗ trợ học tập, và nếu bố mẹ và con cái cùng chăm chỉ thì các em sẽ vẫn có thể đạt điểm cao các môn Toán, Tiếng Việt…, nhưng những điểm 10 tròn trịa thì không nhiều.
“Áp lực từ lãnh đạo, kỳ vọng của gia đình, cả quá trình học sinh học tốt nhưng đến đúng hôm kiểm tra học sinh lại sơ sẩy, các trường hợp ngoại giao… Tất cả cứ chồng chéo vào nhau khiến ngoài những điểm 10 “xịn”, giáo viên vẫn phải hạ bút cho những con 10 vào bài kiểm tra của học sinh”.
Nói riêng về môn Văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Tổng chủ biên Chương trình Ngữ văn mới (Chương trình 2018) đánh giá chất lượng giảng dạy hay chất lượng học sinh chỉ là một phần của hiện tượng điểm 10 Văn – điều mà trước đây rất hiếm xảy ra. Theo ông Thống, đó còn là do ảnh hưởng của tình trạng “bài văn mẫu”.
“Dạy văn mẫu cho học sinh nên khi kiểm tra, đề thi mà cứ ra theo lối mòn, các em làm đúng đáp án không thể không cho điểm tối đa. Điều này xảy ra ở cả các bậc học cao hơn”…
Theo cô giáo Thanh Hà, “Cầu như thế nào thì cung như thế, cầu chuyển thì cung mới chuyển. Nếu vào cấp 2 cứ thi thật học thật, ít dựa vào kinh nghiệm từ quá khứ, chỉ lấy cái thật của thực tại ra so thì sẽ không có bộ sưu tập 10 điểm 10 ở tiểu học. Còn nếu vẫn cứ lấy Toán và Tiếng Việt ra so thì sẽ có các học bạ siêu đẹp”.
Cảnh báo từ cách đánh giá mới
Cô Hoa, giáo viên lớp 1 tại Hà Nội cho hay, cô vừa có kết thúc năm học không mấy vui vẻ.
Tháng 3 vừa qua, cô được đi tập huấn về Thông tư 27 – Ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 4/9/2020 và áp dụng từ năm học 2020-2021.
Theo Thông tư 27, giáo viên sẽ đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo bốn mức: Hoàn thành xuất sắc, Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành.
Cuối năm học, chỉ có 2 danh hiệu cho học sinh: Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc; Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt.
“Chống bệnh thành tích phải bắt đầu từ lớp 1, số xuất sắc phải ít để có sự khác biệt rõ rệt” là những gì cô Hoa được truyền đạt, trao đổi.
“Tôi về báo cáo lãnh đạo nhưng lãnh đạo bảo không nghe “văn bản mồm”, văn bản nào bảo số học sinh được đánh giá xuất sắc theo Thông tư 27 chỉ khoảng 20-25%?. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm làm thật cho khối 1. Kết quả, sau khi “ngó” sang các trường khác trong quận, tôi choáng váng khi thấy có những trường mà tỉ lệ xuất sắc lên đến hơn 80%, nhiều trường cũng 60, 70%”.
Cũng đồng tình với nhận định của cô Thanh Hà, cô giáo Hoa tiết lộ tâm tư của không ít giáo viên chủ nhiệm: “Lớp 1 nhiều em nói còn ngọng, tính toán chưa thông, có phải em nào cũng hát hay, vẽ đẹp đâu thì lấy đâu ra lắm xuất sắc?..."
Tất nhiên cũng có những phụ huynh lại muốn thực chất vì đây là bậc học thấp, nhưng lãnh đạo nhà trường lại không muốn thế.
Chẳng hạn như hiệu trưởng thì lo lắng học bạ điểm thấp lên cấp 2 các em sao đăng ký vào những trường top? Điều này ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường và chính hiệu trưởng. Rồi phụ huynh cũng sẽ có sự so sánh, phân bì với học sinh trường khác, lo con mình thiệt thòi…
“Phải có sự thống nhất, quán triệt từ lãnh đạo phòng giáo dục, lãnh đạo trường tới giáo viên khi áp dụng cách đánh giá mới thì phụ huynh mới nghe theo. Nếu không thì vài năm nữa, bên cạnh hàng loạt điểm 10 còn là hàng loạt học sinh mang danh hiệu xuất sắc "cô cho" - cô Hoa nhìn nhận.