Học lịch sử nơi đường biên, cột mốc

Đăng Đức - Đình Tiến | 30/11/2022, 14:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Học sinh Trường Tiểu học & THCS Ba Tầng và thầy, cô giáo tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) lần đầu trải nghiệm, tham quan thực tế...

Giáo dục học sinh về đường biên, cột mốc

Hoạt động trên thuộc chủ đề “Giáo dục chủ quyền lãnh thổ - Trải nghiệm cột mốc biên cương” (hay gọi là “Tiết học biên giới”) do Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, Trường Tiểu học & THCS Ba Tầng và Đồn Biên phòng Ba Tầng (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Quảng Trị) tổ chức.

Tham gia hoạt động này, học sinh của Trường Tiểu học & THCS Ba Tầng và các thầy cô giáo bộ môn Lịch sử các trường THCS trên địa bàn huyện Hướng Hóa được tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu trực tiếp tại cột mốc 616 trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Đây là một trong 8 cột mốc trên tuyến biên giới, thuộc quản lý của Đồn Biên phòng Ba Tầng.

Hào hứng tham gia chuyến trải nghiệm cột mốc chủ quyền, em Hồ Thị Phượng - học sinh lớp 7C Trường Tiểu học & THCS Ba Tầng chia sẻ: “Đến thăm cột mốc chủ quyền và đường biên giới, chúng em hiểu được thế nào là mốc quốc giới, hiểu về lãnh thổ quốc gia. Qua đó, học sinh hiểu thêm những vất vả, nhọc nhằn của các chú bộ đội biên phòng ngày đêm canh giữ bình yên cho Tổ quốc. Được tham gia hoạt động trải nghiệm này, em thấy mình cần phải học tập thật tốt để trau dồi kiến thức, khi lớn lên góp phần bảo vệ quê hương”.

Trung tá Trần Bình Quy - Đồn trưởng ĐBP Ba Tầng trao đổi: Hoạt động “Giáo dục chủ quyền lãnh thổ – Trải nghiệm cột mốc biên cương” tại cột mốc số 616 đã trang bị cho học sinh những kiến thức bổ ích về biên giới, hiểu biết sâu sắc hơn về chủ quyền quốc gia, quốc giới; ý nghĩa, tầm quan trọng của hệ thống đường biên, mốc quốc giới; công tác quản lý bảo vệ biên giới và trách nhiệm của mỗi công dân nói chung và học sinh nói riêng trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Qua đó góp phần bồi đắp thêm lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương, đất nước.

Cùng với tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, việc thường xuyên chủ động tuần tra canh gác, vệ sinh cột mốc của mỗi cán bộ chiến sĩ biên phòng không chỉ để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà còn góp phần gắn kết tình quân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc; bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước trong tình hình mới.

Học lịch sử tại đường biên, cột mốc ảnh 1
Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, Trường Tiểu học & THCS Ba Tầng và Đồn Biên phòng Ba Tầng tổ chức “Tiết học biên giới” tại cột mốc 616.

Nhân rộng việc giáo dục lịch sử địa phương

Thầy Nguyễn Mạnh Cường - giáo viên Trường Tiểu học & THCS Ba Tầng cho biết, hoạt động trải nghiệm thực tế tại cột mốc biên giới mang nhiều ý nghĩa không chỉ đối với học sinh của nhà trường mà cũng rất thiết thực với giáo viên. “Tiết học biên giới” lần này có nhiều giáo viên dạy bộ môn Lịch sử trên địa bàn tham gia.

Với học sinh, “tiết học biên giới” có ý nghĩa giáo dục về chủ quyền biên giới quốc gia, hoạt động tuần tra bảo vệ biên giới của lực lượng biên phòng. Hơn nữa, tiết học nhằm giáo dục các em lòng yêu quê hương đất nước, hình thành ý thức, nâng cao nhận thức về chủ quyền biên giới để tuyên truyền đến gia đình, người dân về việc bảo vệ đường biên cột mốc. Lớn lên, các em có trách nhiệm hơn đối với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Lào.

“Đây là tiết học, vừa là hoạt động trải nghiệm thú vị. Ngoài kiến thức học trên lớp, qua sách vở, được trải nghiệm thực tế, đứng trước cột mốc, trên đường biên giới giúp các em hình dung rõ ràng hơn thế nào là đường biên, cột mốc. Từ đó mỗi em có trách nhiệm hơn để tuyên truyền người dân chung tay bảo vệ biên giới”, thầy Cường cho hay.

Cũng theo thầy Nguyễn Mạnh Cường, hoạt động này cũng giúp cho nhiều thầy cô có trải nghiệm thú vị để phục vụ trong giảng dạy. Có thầy, cô giáo lần đầu được tham quan cột mốc biên giới, nghe các cán bộ, chiến sĩ biên phòng chia sẻ về quá trình làm nhiệm vụ, cùng những khó khăn, vất vả đã trải qua.

“Trong định hướng giáo dục địa phương và Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ mở rộng, tăng cường hoạt động trải nghiệm để giáo dục học sinh. Với bộ môn Lịch sử, không chỉ giáo dục học trò qua tiết học biên giới, mà qua việc trải nghiệm, tham quan các di tích lịch sử văn hóa, phòng truyền thống ở các địa phương... Giáo viên được tham quan các hoạt động trải nghiệm này sẽ rất hữu ích khi áp dụng với trường của mình”, thầy Cường chia sẻ.

Thầy Hoàng Vũ Bằng Giao - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Ba Tầng cho biết, qua hoạt động tham quan học tập, học sinh đối chiếu kiến thức đã học trên lớp với những gì quan sát, tiếp thu được ở ngoài thực địa, giúp nâng cao hiểu biết và mở rộng kiến thức về cột mốc và đường biên giới. Bên cạnh đó, rèn luyện cho học sinh kỹ năng quan sát, thu thập thông tin, tổng hợp, nghiên cứu tư liệu.

“Tiết học biên giới nhằm giáo dục ý thức cho học sinh trong việc bảo vệ cột mốc và đường biên giới Việt – Lào, từ đó góp phần chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, thầy Giao nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nghiên cứu để có phương án phù hợp, bảo đảm chú trọng dạy-học lịch sử ở giáo dục phổ thông
Ngày 8/6, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo số 170/TB-VPCP kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp với Bộ Giáo dục và đào tạo về môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học lịch sử nơi đường biên, cột mốc