Khó khăn chồng chất
Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Miguel Cardona khẳng định: Phục vụ tất cả trẻ em, trong đó có học sinh khuyết tật, trong các trường công lập không chỉ là luật mà còn là nghĩa vụ, đạo đức và hành động công bằng mạnh mẽ. Chúng ta cần công nhận và tôn vinh những điểm khác biệt này là điểm mạnh và cần giúp tất cả trẻ em tiến bộ trong quá trình giáo dục đầy thách thức.
Tại Trung Quốc, GS Wang Haiping (Đại học Sư phạm Hoa Đông, Thượng Hải), cho biết: Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát triển giáo dục đặc biệt trong thập kỷ qua với số lượng học sinh đi học tăng nhanh, đặc biệt là trong ba năm gần đây. Nhưng khi so sánh với sự phát triển của giáo dục cho trẻ em khỏe mạnh, khoảng cách này đã mở rộng vì Covid-19.
Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc, 795 nghìn học sinh có nhu cầu đặc biệt theo học vào năm 2019. Trong đó, 49% học ở trường phổ thông, 21,5% học ở nhà và 0,48% học trường giáo dục đặc biệt.
Các trường đặc biệt tồn tại vì trường bình thường chưa được trang bị kiến thức chuyên môn hoặc nguồn lực cần thiết để cung cấp cho học sinh có nhu cầu đặc biệt một trải nghiệm học tập chất lượng. Sau dịch Covid-19 việc khắc phục điều này sẽ là một hướng đi đúng hướng.
Ngày 5/1, chính quyền quận Jing'an, thành phố Thượng Hải, đã ban hành chính sách hành động để phát triển giáo dục hòa nhập. Trong đó, quận yêu cầu các trường học trên địa bàn thành lập nhóm làm việc về giáo dục hòa nhập.
Chính quyền quận cam kết sẽ hỗ trợ cho hệ thống giáo dục đặc biệt trong trường phổ thông, bao gồm đào tạo giáo viên, trang bị cơ sở vật chất... Ở các địa phương khác, trường học phối hợp với các tổ chức việc làm giới thiệu công việc phù hợp cho học sinh khuyết tật.
Tuy nhiên, việc giáo dục đặc biệt tại Trung Quốc vẫn là mô hình mới, chưa nhận được nhiều sự quan tâm đúng đắn từ các cấp chính quyền. Số lượng trường phổ thông có chương trình giáo đục đặc biệt còn thấp.
Trong bối cảnh nước này vẫn áp dụng biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, việc hồi phục và phát triển lĩnh vực giáo dục đặc biệt còn nhiều trở ngại.
Tương tự, tương lai giáo dục đặc biệt tại Mỹ vẫn là bài toán khó. 2 năm gián đoạn bởi dịch Covid-19 đã lấy đi nhiều kỹ năng, kiến thức của trẻ khuyết tật nên hiện nay, nhiều giáo viên cho biết phải dạy lại hoàn toàn từ thói quen sinh hoạt đến kỹ năng xã hội, cảm xúc.
Chưa kể, nhiều em bị tác động tâm lý sau thời gian dài ở nhà nên phải có sự hỗ trợ, chia sẻ kịp thời để chăm sóc tinh thần cho các em.
Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên giáo dục đặc biệt trên cả nước. Cũng có phản ánh rằng trẻ em khuyết tật không nhận được các dịch vụ cần thiết khi trở lại trường học.
Các dịch vụ bao gồm liệu pháp nói và ngôn ngữ, hỗ trợ toán học và đọc, hướng dẫn cải thiện kỹ năng xã hội và cảm xúc... Các dịch vụ khác nhau tuỳ từng học sinh và dựa trên nhu cầu cá nhân của các em.