Hành trình không mệt mỏi
Cô Trúc chủ động liên hệ với các viện xem đề tài học sinh đề xuất có thể cử cán bộ tham gia, có phù hợp với khả năng tư duy học thuật của các em hay không. Do đề tài khoa học này mang tính thực tiễn, giai đoạn nước rút chạy báo cáo nhiều hôm phải đi sớm về khuya. Riêng phần hướng dẫn các em đọc tài liệu, những yêu cầu của đề tài mất nhiều thời gian nhất do có kiến thức ngoài bậc phổ thông.
Giai đoạn viết báo cáo, học sinh đã nhận được sự góp ý vô cùng quý báu từ Tiến sĩ Phạm Hồng Hiển, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cùng các cô chú của Viện Bảo vệ thực vật. Nhờ đó, đề tài ngày càng hoàn thiện hơn. Khi đề tài tham gia vòng thi cấp thành phố, sở GD&ĐT tiếp tục mời chuyên gia hướng dẫn và góp ý chi tiết để hoàn thiện báo cáo.
Khi dự thi cấp quốc gia theo hình thức trực tuyến, ban giám khảo đã hỏi Đức Minh và Ngọc Minh cách bón cũng như một số kiến thức cơ bản khác; trong quá trình nghiên cứu có liên quan nhiều đến kiến thức chương trình phổ thông không...
Đức Minh tâm sự: “Dù được chuẩn bị rất kỹ nhưng khi vào phòng thi em vẫn run. Tuy nhiên, cả hai chị em cùng động viên nhau trấn tĩnh và trả lời lưu loát các câu hỏi của ban giám khảo. Đây là đề tài liên quan đến lĩnh vực khoa học thực vật nên lồng ghép nhiều kiến thức liên quan.
Nhờ được tiếp xúc trực tiếp với hệ thống cơ sở vật chất của các viện nên chúng em đã có trải nghiệm tuyệt vời và tìm ra được chủng vi sinh phù hợp với mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, đây mới là thành công bước đầu, chúng em còn phải cố gắng nhiều hơn nữa trong tương lai”.
Theo cô Trương Thanh Trúc, các cán bộ của Viện đã hỗ trợ rất nhiều và tạo động lực cho các em trên con đường nghiên cứu khoa học. Đào Đức Minh và Lê Ngọc Minh đều rất ngoan, chịu khó và có tố chất thông minh.
Trong giai đoạn tới sẽ nghiên cứu thêm các chế phẩm nữa để chống nhiều loại nấm bệnh khác trên các loại cây trồng khác ngoài sầu riêng, có thể áp dụng ngoài thực địa. Nhờ quá trình này, các em hiểu được hơn việc vận dụng kiến thức các môn học vào giải quyết vấn đề thực tiễn.