Ông Thái Khắc Hoà, Trưởng phòng GD&ĐT TP Kon Tum cho biết, cồng chiêng hoà quyện trong vòng xoang nhịp nhàng là một phần quan trọng trong đời sống của mỗi buôn làng, cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên. Bên cạnh đó, danh tiếng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, trở thành tài sản của nhân loại.
Theo ông Hoà, Liên hoan Cồng chiêng - Múa xoang, thi trang phục dân tộc thiểu số dành cho học sinh được tổ chức 2 năm một lần. Tuy nhiên, những năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên liên hoan không thể tổ chức. Sau 3 năm, liên hoan được tổ chức lại và thu hút đông đảo học sinh tham gia, các trường và phụ huynh cũng hưởng ứng nhiệt tình.
Liên hoan nhằm mục đích tạo sân chơi văn hoá bổ ích để học sinh được giao lưu, chia sẻ, tăng tinh thần đoàn kết, tìm hiểu thêm về văn hoá và biểu diễn cồng chiêng, đồng thời là không gian để các em thật sự đắm chìm trong âm thanh trầm bổng của tiếng cồng chiêng mà cha ông đã lưu truyền lại. Qua đó, giúp học sinh càng yêu quý, trân trọng và luôn có ý thức bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá của dân tộc.
Học sinh nữ uyển chuyển, nhịp nhàng trong điệu múa Xoang truyền thống. |
“Liên hoan tạo cho thế hệ trẻ nhận thức về vai trò của cồng - chiêng - múa xoang trong sinh hoạt văn hóa truyền thống. Hiện nay nhiều trường học của ngành GD&ĐT thành phố đã thực hiện việc mặc trang phục DTTS khi đến trường, lớp hoặc trong các buổi chào cờ đầu tuần, Lễ hội, ngoại khóa... Dạy cho học sinh đánh cồng chiêng, múa xoang là một trong những hoạt động thường xuyên ở trường học.
Chúng tôi mong muốn giá trị văn hoá của dân tộc sẽ góp phần hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn học sinh ngày càng phong phú hơn. Từ đó giúp các em học tập tiến bộ hơn và hướng tới những suy nghĩ và hành động tốt đẹp trong cuộc sống”, ông Hoà chia sẻ.