Gia Long, 13 tuổi, đạt 8.5 IELTS với điểm tuyệt đối ở ba kỹ năng, nhờ học tiếng Anh từ mẫu giáo, xem nhiều nội dung trên YouTube mỗi ngày.
Lê Huy Gia Long là học sinh lớp 8, trường Liên cấp Việt-Úc Hà Nội. Em thi IELTS lần đầu tiên hôm 5/4, đạt 9.0 ở kỹ năng Nói (Speaking), Nghe (Listening) và Đọc (Reading).
"Em rất hào hứng, báo ngay cho bố mẹ và bạn bè. Mọi người đều chúc mừng và khen em", Long kể.
Theo thống kê trên trang chủ IELTS, người thi ở Việt Nam chủ yếu trong độ tuổi 16-22, chỉ khoảng 1% đạt mốc điểm 8.5 trở lên.
"Không nhiều thí sinh ở tuổi 13 đạt được mốc điểm đó", anh Đặng Trần Tùng, giáo viên luyện thi, với 8 lần đạt điểm tuyệt đối ở bài thi này, nhìn nhận. Anh cho hay mức 8.5 tương đương trình độ C2 trong khung tham chiếu châu Âu (CEFR), tức mức thành thạo.
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, trưởng nhóm luyện thi IELTS tại trường, nhận xét Long có tư duy, kiến thức tốt, vượt trội so với các bạn cùng khối. Theo cô, ngoài nền tảng tiếng Anh, các môn học trong chương trình Cambridge ở trường như Toán, EFL (tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất), Global Perspectives (quan điểm toàn cầu) và Khoa học đã giúp nam sinh phát triển thế giới quan, hiểu biết hơn về các vấn đề thế giới, từ đó làm tốt bài thi này.
Long cho biết thi IELTS với tâm trạng thoải mái, mục đích kiểm tra kiến thức. Em nhận định đề "khá dễ", nhất là bài Đọc. Bài gồm ba phần, trong 60 phút nhưng Long chỉ mất 45 phút để hoàn thành. Thời gian còn lại, em kiểm tra một lượt, chỉnh đáp án 1-2 câu.
Em cho hay chủ đề đọc đa dạng, trong đó đề cập văn hóa của người bản địa ở Nam Phi. Long quen với các dạng bài vì từng thi PET (bài kiểm tra tiếng Anh sơ bộ), FCE (chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tổng quát).
Em cũng sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ hàng ngày, nhờ đó suôn sẻ vượt qua bài thi Nghe và Nói.
Trong 4 kỹ năng, nam sinh đạt điểm Viết thấp hơn cả. Long thích cách viết sáng tạo, không bị gò bó bởi khuôn mẫu, thời gian. Trong khi đó, em thấy bài cả Task 1 và Task 2 của bài Viết đều phải theo một cấu trúc nhất định.
Em ví dụ Task 1 là dạng biểu đồ hình cột, yêu cầu so sánh giá vé máy bay giữa thành phố Sydney và Melbourne của Australia trong hai tuần, hồi năm 2013. Bố cục bài này thông thường gồm giới thiệu (introduction), overview (tổng quan) và body (thân bài). Ở phần tổng quan, thí sinh cần nhận xét đặc trưng về số liệu (cao nhất, thấp nhất), xu thế chung (tăng, giảm hay giữ nguyên). Trong thân bài, Long chia hai đoạn để phân tích chi tiết từng tuần rồi so sánh.
Tương tự, Task 2 là dạng nêu ý kiến cá nhân về một vấn đề xã hội. Với ý kiến cho rằng ngày nay, người trẻ thích dành thời gian rảnh rỗi để đến các trung tâm mua sắm, thay vì tham gia hoạt động thể thao hay âm nhạc, thí sinh được hỏi xu hướng này tích cực hay tiêu cực.
"Em chọn tiêu cực vì vừa tốn tiền lại tốn thời gian", Long nói.
Ở bài này, nam sinh chia thành hai đoạn. Đoạn một nói về mặt tiêu cực của việc đốt thời gian vào trung tâm mua sắm. Đoạn còn lại là mặt tích cực của hoạt động khác. Long thấy các môn thể thao giúp tăng cường thể chất, sự tỉnh táo về tinh thần; âm nhạc mang đến niềm vui, sự thư giãn...
Dù chưa hài lòng, Long cho biết không quá bận tâm vì không đặt nặng điểm số.
Chị Phan Vân Anh, mẹ Long, kể con yêu thích tiếng Anh và thường xem các chương trình trên YouTube mỗi ngày.
"Con xem đủ lĩnh vực, từ khoa học, y tế, y học, kinh tế đến chính trị với sự say mê", chị Vân Anh chia sẻ. Ngoài ra, gia đình cho con tham gia trại hè quốc tế vài tuần mỗi năm để có cơ hội giao lưu và nâng cao khả năng dùng tiếng Anh. Năm lớp 6, Long đi Mỹ, lớp 7 sang Anh, Pháp và Thụy Sĩ.
Long cho biết cân nhắc thi lại IELTS khi vào cấp ba, nếu cần điểm này để làm hồ sơ du học.