Thống kê cho thấy, hơn 122.000 thí sinh chưa nhập học đợt 1, năm 2024.
Bộ GD&ĐT tiếp tục mở Hệ thống để thí sinh hoàn thành thủ tục xác nhận nhập học đến trước 17 giờ ngày 31/8/2024.
Trúng tuyển vào Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội), Nguyễn Ánh Dương ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) hồ hởi đến nhập học trực tiếp. Khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ thông báo việc chưa xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung (Hệ thống) nên quy trình nhập học của Ánh Dương tạm gác lại. Sau đó, nữ sinh được hướng dẫn thực hiện nhập học trực tuyến - một trong những quy trình bắt buộc trước khi nộp hồ sơ nhập học trực tiếp tại trường. Hiện, Ánh Dương hoàn tất thủ tục và chính thức trở thành tân sinh viên của Trường ĐH Phenikaa.
PGS.TS Nguyễn Thị Hòa - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng (Trường ĐH Giao thông vận tải) cho hay, nhà trường nhận được một số cuộc gọi “cầu cứu” của thí sinh báo quên chưa xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống.
Qua thông tin phản ánh của các cơ sở đào tạo và thí sinh, một số em khi nhập học trực tiếp tại trường mới phát hiện ra sơ suất chưa thực hiện xác nhận nhập học trên Hệ thống. Để tạo điều kiện cho thí sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho hay, Bộ GD&ĐT tiếp tục mở Hệ thống để thí sinh hoàn thành thủ tục xác nhận nhập học đến trước 17 giờ ngày 31/8.
Số thí sinh trúng tuyển trên Hệ thống là trên 673.5000. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến cuối ngày 27/8, có hơn 551 nghìn thí sinh xác nhận nhập học đợt 1, đạt 81,87%. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ, so với năm 2023, thí sinh xác nhận nhập học đại học năm 2024 tăng cả về số lượng và tỷ lệ.
Năm 2023, số thí sinh xác nhận nhập học hơn 449.400. Tỷ lệ thí sinh nhập học/số thí sinh trúng tuyển là 80,34%. Số thí sinh trúng tuyển trên Hệ thống là hơn 615.400; số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên 660.200.
Với hơn 122.000 thí sinh có ý định từ chối vào đại học đợt 1, năm 2024, ThS Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh (Trường ĐH Thương mại) nhìn nhận, trên phạm vi toàn quốc, đây không phải là con số “báo động”, bởi khó để đạt được 100% thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học. Vì thế, không khó để lý giải năm nào cũng có tỷ lệ nhất định về thí sinh trúng tuyển ảo.
“Tuy nhiên, đến bước này, phần lớn phụ thuộc ý định chủ quan của thí sinh. Nhiều em dù trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học vì đi du học. Cũng có thí sinh lựa chọn học chương trình liên kết quốc tế nên bỏ qua bước xác nhận nhập học. Ngoài ra, nhiều thí sinh trúng tuyển vào ngành học không yêu thích do sắp xếp sai thứ tự nguyện vọng xét tuyển, hoặc đó chỉ là nguyện vọng “sơ cua” nhưng trúng tuyển nên không muốn đi học và không xác nhận nhập học”, ThS Nguyễn Quang Trung lý giải.
Sau khi xác nhận nhập học trực tuyến, thí sinh được các cơ sở đào tạo hướng dẫn các bước tiếp theo, ThS Nguyễn Quang Trung lưu ý, căn cứ thông báo, lịch, kế hoạch của cơ sở đào tạo, thí sinh có thể làm thủ tục vào học chính thức.
Từ ngày 28/8 đến tháng 12/2024, thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của cơ sở đào tạo cần tìm hiểu thông tin ở trường để tìm ra sự lựa chọn phù hợp với mình nhất. Muốn vậy, các em phải nghiên cứu đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo (nếu cơ sở đào tạo xét tuyển bổ sung), đồng thời nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tiếp tại cơ sở đào tạo đó.
Hiện, hàng loạt cơ sở đào tạo thông báo xét tuyển bổ sung nên “cánh cửa” vào đại học vẫn rộng mở cho những thí sinh chưa trúng tuyển hoặc chưa xác nhận nhập học đợt 1. Song, không vì xét tuyển bổ sung mà thí sinh bỏ qua yếu tố sở thích, năng lực, điều kiện tài chính của gia đình và cơ hội việc làm sau khi ra trường. Đặc biệt, các em không nên chọn qua loa một ngành nào đó chỉ để trúng tuyển đại học.
Khác với xét tuyển đợt 1, thời gian và quy định của mỗi trường khi xét tuyển bổ sung khác nhau; do đó thí sinh phải tìm hiểu kỹ thông tin. Sau khi kết thúc mỗi đợt xét tuyển bổ sung, các trường sẽ công bố điểm trúng tuyển và điều kiện, tiêu chí phụ (nếu có) trên trang thông tin điện tử. Thí sinh cần xác nhận và làm thủ tục nhập học theo quy định của đơn vị.
Với hơn 122.000 thí sinh chưa nhập học đợt 1, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, cần đặt ra bài toán về công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, nhất là trong năm học tới, học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 và dự kiến có những thay đổi trong công tác tuyển sinh.
Theo đó, công tác tư vấn cần đáp ứng nhu cầu về thông tin của học sinh và phụ huynh. Thông tin cần tường minh, dễ hiểu, giúp thí sinh có cơ sở lựa chọn đúng và trúng ngành/trường học yêu thích. Cũng nên đổi mới, đa dạng hơn hình thức tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và quan tâm đến vấn đề này từ sớm, từ xa.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Đổi mới chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp” do Báo Tuổi trẻ tổ chức, cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, đầu mỗi năm học, lãnh đạo trường trực tiếp trao đổi với phụ huynh và học sinh từng lớp học, giúp học sinh có kế hoạch học tập dựa trên mục tiêu đặt ra sau khi học hết lớp 12.
Vì vậy, những thông tin hướng nghiệp sớm có ý nghĩa quan trọng. Ở giai đoạn tư vấn ngành học và tuyển sinh chỉ hiệu quả sau thời điểm các trường công bố đề án tuyển sinh và Bộ GD&ĐT ban hành các quy chế thi tốt nghiệp THPT, quy chế tuyển sinh…
Bộ GD&ĐT tiếp nhận khá nhiều ý kiến của phụ huynh, thí sinh liên quan tới việc hiểu sai thông tin, quy định do đã tham khảo nhầm các trang thông tin giả mạo, sử dụng dữ liệu cũ. Từ thực tế này, TS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học cho rằng, cần những kênh cung cấp thông tin và tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp chính xác, đáng tin cậy.
Song, các cơ sở đào tạo cũng cần bố trí bộ phận thường trực là cán bộ có năng lực, kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh, nắm vững quy chế để tư vấn, giải đáp thắc mắc của thí sinh, phụ huynh.
Nhiều thí sinh sơ suất bỏ qua bước xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống. Đây cũng là một trong những lý do để Bộ GD&ĐT quyết định “gia hạn” đến trước 17 giờ ngày 31/8/2024 cho thí sinh. Bởi, theo kế hoạch, đến 17 giờ ngày 27/8, thí sinh phải hoàn tất việc xác nhận nhập học trên Hệ thống.