Hướng nghiệp cho học sinh lớp 12: Tập 'bơi' cùng trò

Thành Tâm | 22/10/2022, 06:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Vai trò của thầy cô là rất lớn trong hướng nghiệp cho học sinh lớp 12, tránh được việc các em tự chọn theo hiệu ứng đám đông...

Dù sắp rời ghế nhà trường nhưng nhiều học sinh lớp 12 vẫn băn khoăn khi đứng trước ma trận của việc xác định con đường sẽ đi tiếp sau THPT. Để các em không “tự bơi” khi lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai, rất cần người đồng hành là thầy cô, gia đình.

Không để hiệu ứng “đám đông” tác động

Giáo viên là người hiểu rất rõ năng lực, sở thích, hứng thú… của học sinh thông qua hoạt động dạy học, giáo dục ở nhà trường. Trên cơ sở đó, thầy cô hình thành cho học sinh khả năng tự chủ trong việc lựa chọn ngành, nghề. Tránh được việc các em tự chọn theo hiệu ứng đám đông.

Chia sẻ về vấn đề này, Nhà giáo ưu tú Trần Đức Huyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS & THPT Hoàng Việt (TP Buôn Ma Thuột) cho biết, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, qua 9 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở nước ta là 2,35%, trong đó có nhiều cử nhân, thạc sĩ không tìm được việc làm sau khi ra trường.

“Theo tôi tìm hiểu, trong số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp có 75% chọn sai nghề. 92% học sinh 12 chưa biết trường mình chọn dạy những môn gì và 100% sinh viên tốt nghiệp đại học loại Trung bình vì chọn sai nghề. Những em này cũng thiếu tự tin khi đi phỏng vấn xin việc”, thầy Huyên nói.

“Không thể để các em chọn nghề theo kiểu từ hiệu ứng đám đông, hay ý muốn chủ quan của gia đình. Khi trò ít trải nghiệm thực tiễn, thiếu kỹ năng sống mà thầy cô và trường tư vấn kiểu “nhắm mắt cho chọn đại” ắt dẫn đến hậu quả, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không tìm được công việc thích hợp và có thái độ làm việc không được đánh giá cao”, thầy Huyên chia sẻ.

Con số trên như lời cảnh báo với HS đang học lớp 12 năm nay cũng như các nhà trường trong công tác tư vấn hướng nghiệp. Chia sẻ quan điểm, thầy Huyên đồng thời nhấn mạnh, hướng nghiệp như kim chỉ nam giúp các em dễ dàng hơn trong việc chọn cho mình một nghề phù hợp và tìm được đam mê thực sự trong cuộc đời.

Con gái đầu của anh Nguyễn Đức Chính ở Đắk Nông vừa đậu vào Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Dù năm nào cũng đạt danh hiệu HS giỏi nhưng theo anh Chính, việc chọn ngành, trường để theo học sau THPT quá khó.

“Các ngành cháu chọn đều do bạn bè rủ nhau theo kiểu ngành đó đang “hot”. Để đồng hành với con, chúng tôi phải phối hợp với thầy cô để biết năng lực thực sự, từ đó, mới hỗ trợ con trong chọn ngành học. Suốt thời gian học kỳ II của lớp 12, ngoài nhắc nhở con học tập, giữ sức khỏe còn cùng con tìm hiểu các ngành nghề, quá trình đào tạo, cơ hội việc làm… rồi sau đó lọc ra ngành, nghề phù hợp để con chọn”, anh Chính nói.

Còn tân sinh viên Nguyễn Lê Thanh Hà (con gái anh Chính) cũng thẳng thắn thừa nhận: Do chỉ chú tâm việc học thật nên thông tin về ngành học, trường học em nắm rất hạn chế, kỹ năng xã hội yếu. Vì vậy, em gặp nhiều khó khăn, không biết nên chọn trường, ngành nào. Rất may, bố mẹ, thầy cô định hướng nên em có quyết định phù hợp”, Thanh Hà chia sẻ.

Hướng nghiệp cho học sinh lớp 12: Tập 'bơi' cùng trò ảnh 1
Nhà giáo Ưu tú Trần Đức Huyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS & THPT Hoàng Việt hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 (năm học 2022 - 2023).

Hiểu để hướng nghiệp đúng

Trong buổi hướng nghiệp cho học sinh lớp 12, thầy Huyên đưa ra rất nhiều câu hỏi về các nhân vật nổi tiếng trong nước và thế giới để kiểm tra kiến thức, năng lực học sinh.

Em Nguyễn Thị Thu Trang - lớp 12A4 (Trường Tiểu học, THCS&THPT Hoàng Việt) chia sẻ, tham gia hoạt động hướng nghiệp giúp em và các bạn hiểu hơn về tầm quan trọng của lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai.

“Những chia sẻ của thầy Huyên về nguyên nhân thất nghiệp, thất bại của anh chị sinh viên giúp em hiểu rõ hơn bản thân. Đặc biệt, qua câu chuyện về những tấm gương thành công của các doanh nhân, nhà lãnh đạo xuất sắc trong nước và thế giới, giúp chúng em thấy được, đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Muốn hạnh phúc, phải có thái độ sống, học tập và lao động tích cực”, Thu Trang tâm sự.

“Hướng nghiệp là định hướng phân luồng, giúp học sinh nâng cao hiểu biết về nghề nghiệp và chính bản thân mình. Theo tôi, có 4 lựa chọn quan trọng: Chọn cuộc đời để sống - chọn ngành, nghề để làm (dựa trên tâm, tài, thích, tải, thu) - chọn trường để học - chọn ngành học của trường để thi vào. Hơn ai hết, bản thân các em phải có trách nhiệm với những lựa chọn của mình”, thầy Huyên nói.

Với hơn 40 năm công tác trong ngành Giáo dục, thầy Huyên dành tặng cho học sinh lớp cuối cấp 5 lời khuyên: Đừng nghĩ trong đầu rằng chúng ta chỉ giỏi 1 nghề. Theo thống kê của Mỹ, mỗi người trong chúng ta giỏi ít nhất 5 nghề.

Tận dụng mạng xã hội để tìm hiểu về 5 nghề, 5 lựa chọn mình thích nhất. Các thông tin tìm hiểu được sẽ giúp các em “lọc” một lần nữa và tìm ra thứ thực sự đam mê. Tiếp đó, nên chủ động vào website của trường - khoa - ngành để tìm hiểu thông tin về môn học, chương trình học và những yêu cầu cần đạt.

Tiếp cận với các anh chị sinh viên đang theo học ngành và trường mình sẽ chọn, lắng nghe họ tâm sự, chia sẻ để hiểu rõ hơn về ưu điểm, nhược điểm, thách thức bản thân sẽ đối mặt khi vào học, vào làm thực tế để chuẩn bị tinh thần đón nhận. Tìm cơ hội nói chuyện với người đang làm trong nghề cũng là cách giúp các em học hỏi được kinh nghiệm của những người đi trước, tránh được những sai lầm không đáng có.

Bài liên quan
Tránh 'biến tướng' khi hướng nghiệp
Công tác tư vấn, phân luồng định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 là việc làm thường niên đối với các trường THCS.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng nghiệp cho học sinh lớp 12: Tập 'bơi' cùng trò