Ông Nguyễn Vinh San trong một chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT. Ảnh: NVCC |
Để chọn được ngành học phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện cá nhân, ông Vương Quốc Hùng cho biết, thí sinh cần trả lời các câu hỏi: Ngành nghề gì khiến mình đam mê, hứng thú với công việc đủ để vượt qua khó khăn, theo đuổi đến cùng? Mình đủ năng lực làm nghề gì? Ngành nghề gì xã hội đang và sẽ còn có nhu cầu cao? Khi tổng hợp được nội dung trả lời các câu hỏi trên, thí sinh sẽ có sự chọn lựa tối ưu nhất cho bản thân mà không phải chạy theo xu thế ngành hot hoặc đam mê không rõ ràng.
Liên quan đến nội dung này, ông Đỗ Ngọc Anh chia sẻ: Khi lựa chọn ngành học, học sinh lực học trung bình mong muốn học ngành về trí tuệ nhân tạo là khó khả thi, bởi ngoài việc đầu vào cao, ngành học này đòi hỏi năng lực học tập và kỹ năng nghiên cứu tốt. Có em gia đình không có điều kiện nhưng mong muốn lựa chọn ngành học tại trường có mức học phí, chi phí học tập cao, dẫn tới gánh nặng cho bản thân và gia đình.
Để lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện cá nhân, thí sinh, phụ huynh cần có sự trao đổi, thống nhất để mong muốn của gia đình và các em được hài hòa. Đặc biệt, cần tránh việc phụ huynh áp đặt ngành học cho con, hoặc con tự ý lựa chọn ngành học theo trào lưu, bạn bè rủ rê mà không có sự phân tích kỹ lưỡng cùng người thân. “Ngành học mong muốn cần đảm bảo sự hài hòa giữa sở thích, năng lực học tập của thí sinh và điều kiện của gia đình”, ông Đỗ Ngọc Anh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Vinh San thì cho rằng, sẽ thật tuyệt vời nếu chúng ta chọn được một ngành học mình giỏi, yêu thích và xã hội đang cần. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn hội tụ đủ các yếu tố đó hoặc xác định một cách chuẩn xác. Do đó, lời khuyên dành cho các sĩ tử là: Hãy cùng trao đổi vấn đề chọn ngành, trường với bố mẹ, người thân có am hiểu, thầy, cô giáo để cùng phân tích về năng lực sở trường của mình, điều kiện gia đình cũng như nhu cầu xã hội. Những người lớn đi trước với nhiều trải nghiệm chắc chắn sẽ cho các bạn lời khuyên có ích. Hiện nay, trên Internet có nhiều bài trắc nghiệm nghề nghiệp (có thể chọn trắc nghiệm của Holand), các em nên thử thực hiện để hiểu rõ hơn về sự phù hợp nghề nghiệp của bản thân.
“Việc chọn đúng ngành với (những) nghề tương ứng cần thiết và quan trọng để có thể theo đuổi lâu dài, thậm chí cả đời. Tuy nhiên, nên hiểu việc chọn ngành là quyết định mang tính thời điểm, còn làm nghề là sự trưởng thành từng bước. Một ngành có thể làm nhiều nghề và ngược lại. Trong một nghề cũng có thể làm các vị trí việc làm khác nhau. Bởi vậy, không nên tuyệt đối hóa việc cần chọn đúng ngành ở lứa tuổi 17, 18 khi mà về sau còn quá nhiều biến số của việc học tập và cuộc sống không ai tính hết được. Việc chọn ngành là lời giải tối ưu chứ không phải tốt nhất và duy nhất. Do vậy, không có chuyện chọn sai cũng như chọn đúng một cách tuyệt đối. Thí sinh cố gắng chọn ngành, nghề thật cẩn trọng. Nhưng, nếu chưa chọn được ngành, nghề đúng ý thì điều đó cũng bình thường và cần biết cách thích ứng với nó”. - GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội