Thời sự

Hy vọng của nhiều gia đình liệt sĩ từ tập hồ sơ Mỹ cung cấp

12/07/2025 22:28

Hơn 1.000 ngày tìm kiếm khắp mặt trận phía Nam xưa mà không có kết quả, gia đình liệt sĩ Trần Văn Phú có thêm hy vọng từ tập hồ sơ phía Mỹ cung cấp.

Ngày 10/7, ông Trần Văn Quý run run lần giở trang hồ sơ người Mỹ trao lại, hơn 50 năm sau ngày cuộc chiến kết thúc. Hồ sơ 66 trang chứa tọa độ, thông tin về em trai ông - liệt sĩ Trần Văn Phú cùng đồng đội hy sinh năm 1967 ở Quảng Trị.

Cùng đợt, 21 bộ hồ sơ quân nhân Việt Nam hy sinh trong chiến tranh được trao về cho các gia đình quê Lào Cai, Ninh Bình, Phú Thọ, Hà Nội dịp trưng bày 30 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ do Trung tâm Lưu trữ trung ương III tổ chức tại Hà Nội.

Tên các liệt sĩ đi kèm thông tin xuất hiện trong hồ sơ được phía Mỹ giao lại ngày 10/7. Ảnh: Hoàng Phương
Tên các liệt sĩ đi kèm thông tin xuất hiện trong hồ sơ được phía Mỹ giao lại ngày 10/7. Ảnh: Hoàng Phương

Hồ sơ gồm giấy thông hành, danh sách cá nhân, sổ tay, bảng theo dõi đạn dược... Các cá nhân có tên gồm Trung đội trưởng Trần Văn Phú và trợ lý Phan Xuân Niêm, cùng danh sách 27 thành viên trung đội. Tên tuổi kèm theo ngày nhập ngũ, mã địa phương, quê quán, chiều cao, số súng. Một số mục ghi rõ thân nhân và địa chỉ làng như Hồng Châu, Kim Hải...

Hồ sơ gợi mở cho gia đình liệt sĩ Phú hy vọng tìm kiếm hài cốt, công việc họ thực hiện suốt ba năm qua. "Anh em tôi hơn kém nhau một tuổi, đi bộ đội năm trước năm sau. Tôi 84 tuổi rồi còn chú ấy thì mãi mãi 23, còn sống chắc anh em tóc bạc như nhau", ông Trần Văn Quý bật khóc kể về em trai.

Tọa độ (chấm đỏ) tìm thấy các tài liệu liên quan liệt sĩ Trần Văn Phú cùng đồng đội trong hồ sơ thuộc tỉnh Quảng Trị (cũ). Ảnh: Hoàng Phương
Tọa độ (chấm đỏ) tìm thấy các tài liệu liên quan liệt sĩ Trần Văn Phú và đồng đội trong hồ sơ thuộc tỉnh Quảng Trị (cũ). Ảnh: Hoàng Phương

Ông Quý tòng quân đầu năm 1961, thời điểm chiến sự khốc liệt với những hoạt động leo thang của đối phương. Em trai Trần Văn Phú năm ấy 17 tuổi, ngày tiễn anh lên đường quả quyết "năm sau em cũng vào bộ đội". Đúng cam kết, năm 1962 ông Phú vào biên chế Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 90, Sư đoàn 324.

Suốt những năm kháng chiến, anh em ông Quý gặp nhau duy nhất một lần ở Miếu Môn, cách quê nhà Đan Phượng hơn 40 km. Người anh không nhớ đã nói với em những gì. "Bố mẹ hồi đó còn trẻ, hai thằng tôi mười tám đôi mươi, đâu nghĩ được nhiều mà dặn những lời sâu xa", ông Quý kể.

Những bức thư gửi về nhà thưa dần khi bộ đội hành quân sâu vào mặt trận phía Nam. Địa chỉ duy nhất người thân nhớ được trên bì thư ghi "Vịnh Mốc" - địa danh ở Quảng Trị gần giới tuyến chia cắt hai miền. Năm 1968, gia đình nhận giấy báo tử liệt sĩ Trần Văn Phú hy sinh ngày 3/7/1967, được mai táng tại "mặt trận phía Nam".

Hơn nửa thế kỷ qua, ông Quý cũng như bao gia đình khác thường bắt đầu những cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh tại "mặt trận phía Nam" từ con số 0, không có địa chỉ cụ thể. Họ lần tìm manh mối qua đơn vị cũ, đồng đội, nhân chứng, đi dò từng hàng bia mộ trên khắp nghĩa trang từng là chiến trường.

Thông tin duy nhất gia đình có được sau bước kết nối là liệt sĩ Phú hy sinh ở "cao điểm 90 Cồn Tiên - Dốc Miếu". Địa danh thuộc đất Gio Linh, từng là cứ điểm quan trọng bậc nhất của phòng tuyến quân sự người Mỹ thiết lập trên đường Trường Sơn nhằm ngăn chặn chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Bộ đội hy sinh được đồng đội an táng, nhưng rồi những trận đánh ác liệt tiếp tục cày xới chiến trường. Cho đến nay không ai dám chắc còn dấu tích.

Chuyến đi đầu tiên về Quảng Trị của gia đình 12 người vào tháng 8/2023 khi đại dịch kết thúc. Ông Quý nán lại một tuần tìm đường vào mặt trận cũ, dò hỏi đồng đội Sư đoàn 324, đi các nghĩa trang nhưng không có thông tin. Cuộc tìm kiếm tiếp diễn cho đến hôm nay, trải qua gần 1.100 ngày với hàng chục chuyến đi do vợ chồng con trai ông Quý đảm nhận.

"Sau mỗi chuyến trở về, gia đình thêm nặng trĩu, nhưng chưa bao giờ chúng tôi từ bỏ hy vọng tìm được hài cốt người thân", bà Trần Thị Thu Hà, con dâu ông Quý chia sẻ.

Những chuyến đi thường vào cuối tuần khi bà Hà kết thúc công việc ở trung tâm du học. Vợ chồng bà nhảy xe giường nằm từ Hà Nội vào Quảng Trị tối thứ sáu, thuê xe máy đi từng nghĩa trang rồi tối chủ nhật lại trở về Thủ đô. Bà Hà trở lại nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9 nhiều lần nhưng vô vọng.

Có lần họ về chiến trường cũ thấy còn dấu tích nhưng không thạo lối đi đành quay ra. Những chuyến đi vào ngày giỗ liệt sĩ Phú, dịp 27/7, bà Hà làm thêm mâm cơm cúng, đốt áo mã "mong chú và đồng đội sớm báo tin".

"Lẽ thường ai đó sẽ nghĩ cháu dâu ít có tình cảm máu mủ với họ hàng bên chồng. Nhưng càng đi, gặp gỡ đồng đội của chú, nghe kể về trận đánh, nhìn những hàng bia mộ liệt sĩ khắp các nghĩa trang lại càng đau xót, càng mong sớm đưa được chú về nhà", bà Hà nói về lý do ba năm qua chưa từng từ bỏ hy vọng tìm kiếm.

Chân dung liệt sĩ Trần Văn Phú được phục dựng lại. Ảnh: Gia đình cung cấp
Chân dung liệt sĩ Trần Văn Phú được phục dựng. Ảnh: Gia đình cung cấp

Đầu năm nay, gia đình kết nối được thủ trưởng cũ Sư đoàn 324 và có thêm thông tin về trận đánh năm 1967. Phạm vi tìm kiếm hài cốt cuối cùng được khoanh vùng khoảng 2 km2 quanh nơi từng diễn ra trận đánh ở cao điểm 90. Cuộc điện thoại đầu tháng 7 từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, thông báo về việc trao lại hồ sơ chứng tích của liệt sĩ Trần Văn Phú do phía Mỹ lưu giữ càng khiến gia đình có thêm niềm tin sớm tìm được người thân.

Chiếc USB chứa thông tin cùng tập hồ sơ 66 trang khiến gia đình "như thấy một phần linh hồn liệt sĩ được trở về". Bà Hà cho hay soi chiếu tọa độ phía Mỹ cung cấp cách nơi gia đình đang tìm kiếm hơn một cây số. Dịp 27/7 này, hành trình trở lại Quảng Trị của họ sẽ tiếp tục với dự tính kết nối với các cấp ngành để sớm được khai quật vị trí trong hồ sơ. Bởi hy vọng ngoài liệt sĩ Phú "có thể còn nhiều đồng đội khác đang đợi tìm thấy để đưa về quê mẹ".

Theo VnExpress
https://vnexpress.net/hy-vong-cua-nhieu-gia-dinh-liet-si-tu-tap-ho-so-my-cung-cap-4913089.html
Copy Link
https://vnexpress.net/hy-vong-cua-nhieu-gia-dinh-liet-si-tu-tap-ho-so-my-cung-cap-4913089.html
Bài liên quan
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm gia đình chính sách, tri ân liệt sĩ ở Quảng Trị
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, có công với cách mạng; tri ân các Anh hùng, liệt sĩ ở Quảng Trị.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hy vọng của nhiều gia đình liệt sĩ từ tập hồ sơ Mỹ cung cấp