Góc phụ huynh

Kèm con ôn thi học kỳ 2, bố giám đốc thét lên: "Tôi điên mất!"

07/05/2025 15:17

Quản lý hàng trăm nhân viên một cách điềm tĩnh, nhẹ nhàng nhưng chỉ vài ngày kèm con ôn thi học kỳ 2, anh Quân thốt lên: "Tôi điên mất!".

Có đứa trẻ đã mất mạng khi bố kèm học

Làm giám đốc một công ty về thiết bị xây dựng, anh Nguyễn Văn Quân, ở TP Thủ Đức, TPHCM tự tin nhất ở bản thân là sự điềm tĩnh, nhẹ nhàng. Thế nhưng sau những ngày kèm con ôn thi học kỳ 2, anh thấy mình đã… biến thành người khác.

Trước giờ vợ anh kèm con học. Mỗi lần thấy vợ nặng lời quát nạt con ở bàn học, anh từng chê bai "mỗi việc kèm con học mà làm náo loạn nhà cửa".

cdnphoto.dantri.com.vn-e5fdfh4ynpkhttfsba2iz4fk568-thumb_w-1360-2025-05-06-_kiemtrahoainam3-1746497856267.jpg
Nhiều phụ huynh mất kiểm soát về lời nói, hành vi khi kèm con học (Ảnh: N.Q).

Vợ anh vừa sinh bé thứ 2 nên đợt kiểm tra học kỳ 2 này, anh Quân được giao nhiệm vụ ôn bài cho con trai học lớp 3. Anh kèm con làm đề cương, ôn lại kiến thức ở một loạt môn như tiếng Anh, tiếng Việt, toán, công nghệ, khoa học…

Nội dung không khó nhưng kiến thức nhiều nên việc ôn tập khá nặng nề. Nếu để con tự ngồi học thì cháu lơ mơ không tập trung, làm việc khác hoặc lôi giấy bút ra vẽ.

Anh Quân ngồi cạnh kèm con học thì kiểu gì cũng xảy chuyện. Anh không thể kiểm soát nổi bản thân khi nhìn cách con trả lời, cách con viết bài và cả thái độ của con khi học.

Chỉ cách đây 2 ngày, khi anh đang say sưa giảng bài thì quay sang thấy con đang ngồi vẽ vào giấy nháp, "cơn điên" trong anh như được kích hoạt.

Anh tuôn ra những lời lẽ thô tục, kinh khủng nhất mà anh không nghĩ mình có thể nói ra. Chưa hết, anh còn thiếu kiểm soát đến mức tát con, nhấn đầu con xuống bàn học.

Ông bố chưa từng hình dung nổi việc kèm con học lại biến mình trở nên tệ hại như vậy. Không phải nội dung kiến thức khó, cũng không phải con kém mà không hiểu sao, anh rất dễ "nổi khùng" khi con trả lời chưa đúng, viết bài chưa theo ý mình.

"Thế này chắc tôi điên mất! Và con tôi cũng điên vì bố luôn! Tôi nhắc mình sẽ kiểm soát, sẽ bình tĩnh, sẽ nhẹ nhàng nhưng khi ngồi cạnh con là tôi quên sạch những gì mình đã hứa", ông bố cho hay.

Trên mạng xã hội từng xuất hiện những hình ảnh bố mẹ tìm cách kiểm soát mình khi kèm con học "cười ra nước mắt". Có ông bố tự trói tay mình lại để tránh bạo hành con, hay bà mẹ đẩy đầu vào tủ lạnh để "hạ hỏa"...

Trước đây khi đọc những nội dung trên, anh Quân còn xem đó như chuyện hài nhưng giờ anh hiểu vì sao có tình cảnh này.

Trên thực tế, đã có đứa trẻ mất mạng từ việc phụ huynh kèm học. Cách đây không lâu, tại Hà Nội, mất kiểm soát trong lúc dạy con gái 6 tuổi học bài, ông bố L.T.C. dùng đũa, cây tre và cán chổi bằng gỗ dài vụt liên tiếp vào tay, mông cháu bé.

Chiều cùng ngày, cháu bé có biểu hiện buồn nôn, sốt và đã tử vong trước khi đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Tránh làm con… sợ học cả đời


Cô Huỳnh Thị Thanh Phương, giáo viên dạy lớp 1, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Rành, Củ Chi, TPHCM chia sẻ, khó kiểm soát cảm xúc và hành vi khi kèm con học là điều hầu hết phụ huynh gặp phải.

Theo cô Phương, có thể vì áp lực, vì lo lắng và cả vì phụ huynh nôn nóng mong con phải nắm được, làm được, hiểu được như cách mình muốn. Trong khi, trẻ con có cách vận hành riêng, cách tiếp nhận riêng của chúng, không thể nghĩ hay làm như cách của người lớn.

cdnphoto.dantri.com.vn-77wmwomwirnon8t02kf1clusvr8-thumb_w-1360-2025-05-06-_kiemtrahockyhoainam1-1746497856254.jpg
cdnphoto.dantri.com.vn-j_zwhi_lwqdjc32bzhtwxl5fimk-thumb_w-1360-2025-05-06-_kiemtrahoainam2-1746497856205.jpg
Những hình ảnh bố mẹ trói tay chân, đưa đầu vào tủ lạnh để kiểm soát khi kèm con học được chia sẻ trên mạng xã hội (Ảnh chụp lại màn hình).

Việc nắm bắt kiến thức hay giải quyết bài tập của trẻ, theo cô Phương là hành trình kiên trì. Trẻ rất cần được bố mẹ hỗ trợ, hướng dẫn học tập, nếu không sẽ rất khó theo kịp lượng kiến thức.

Khi kèm con học, phụ huynh cần đặt ra những giới hạn cho mình như sẽ kèm ở nội dung nào, mức độ nào. Còn lại hãy cho con không gian để con tự học, tự suy nghĩ, tự giải quyết vấn đề.

Đặc biệt, phụ huynh cần phải giảm bớt kỳ vọng ngay lập tức ở con mà cần hiểu học là đường dài. Nếu không, chính sự nóng vội, mất kiểm soát của phụ huynh có thể để lại hội chứng sợ học ở trẻ, ảnh hưởng đến cả tương lai về sau.

Đối với việc kiểm tra học kỳ 2 ở bậc tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các trường cần xây dựng kế hoạch ôn tập, có kế hoạch phụ đạo riêng cho học sinh yếu kém; thông báo lịch kiểm tra, phối hợp cùng gia đình nhằm chuẩn bị các điều kiện học tập thật tốt cho học sinh.

Việc tổ chức ôn tập được thực hiện ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà đối với lớp học 2 buổi/ngày; không soạn đề cương, bài mẫu bắt buộc học sinh làm, không tổ chức học thuộc lòng bài mẫu. Giáo viên chú ý hướng dẫn cho học sinh cách tự học, ôn tập.

Tuyệt đối không chạy theo thành tích để đối phó, gây áp lực, tạo không khí căng thẳng, nặng nề cho giáo viên, học sinh và gia đình các em.

Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/giao-duc/kem-con-on-thi-hoc-ky-2-bo-giam-doc-thet-len-toi-dien-mat-20250506093246471.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/giao-duc/kem-con-on-thi-hoc-ky-2-bo-giam-doc-thet-len-toi-dien-mat-20250506093246471.htm
Bài liên quan
Nhiều quận, huyện ở TPHCM lưu ý về đề thi kiểm tra học kỳ 2
Không kiểm tra quá 2 môn/ngày, đề thi phải đảm bảo tính chính xác, cần rõ nghĩa, không đánh đố học sinh… là các lưu ý của nhiều quận, huyện ở TPHCM về kế hoạch kiểm tra học kỳ 2.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kèm con ôn thi học kỳ 2, bố giám đốc thét lên: "Tôi điên mất!"