Khắc phục thiếu giáo viên tiếng Anh bằng lớp học ảo

Hồ Phúc | 12/12/2022, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm học 2022-2023, tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3, nhiều trường học tại TPHCM gặp phải không ít khó khăn vì thiếu giáo viên.

Tuy nhiên, với nhiều giải pháp, các trường đã từng bước linh hoạt trong công tác giảng dạy, đảm bảo học sinh được học theo đúng chương trình.

Học trực tiếp qua lớp học ảo

Năm học 2022-2023, nhiều địa phương của TPHCM vẫn thiếu đội ngũ giáo viên giảng dạy bộ môn tiếng Anh. Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Sở GD&ĐT TP, do số lượng giáo viên ngoại ngữ đăng ký tuyển dụng để thực hiện chương trình mới theo yêu cầu còn hạn chế vì chưa đảm bảo được các quy định về bằng cấp và chứng chỉ. Bên cạnh đó, nhiều trường có nhu cầu tuyển dụng giáo viên bộ môn này nhưng không có ứng viên dự tuyển.

Tại Trường tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ), theo định biên đơn vị này có 2 giáo viên tiếng Anh đảm bảo số tiết để thực hiện chương trình GDPT 2018 cũng như dạy tiếng Anh theo đề án của nhà trường. Tuy nhiên thực tế hiện nay chỉ có 1 giáo viên phụ trách môn này. Thời gian qua nhà trường buộc phải vận động giáo viên dạy tăng tiết (có trả phí theo quy định) để đảm bảo học sinh đủ số tiết học.

“Điều kiện Thạnh An là xã đảo, đi lại rất khó khăn nên nhiều năm nay dù thông báo tuyển dụng nhân sự cho môn tiếng Anh nhưng không có giáo viên ứng tuyển. Trong khi đó giáo viên duy nhất dạy tiếng Anh tại trường thời gian tới cũng đang có ý định xin nghỉ. Có lớp học ảo nhưng không có giáo viên cũng sẽ gây không ít khó khăn cho nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động, phong trào, hội thi về tiếng Anh”, thầy Bình cho hay.

Theo chia sẻ của thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An, để khắc phục việc thiếu giáo viên môn tiếng Anh, đầu tháng 12/2022 nhà trường đã xây dựng 2 phòng lớp học ảo để học sinh học tập. Từ lớp học ảo, giáo viên ở Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TPHCM sẽ giảng dạy cho học sinh mỗi tuần 4 tiết. Khác biệt với các lớp học trực tuyến, lớp học này vẫn có một giáo viên đứng lớp để hỗ trợ kết nối học sinh với giáo viên tiếng Anh.

Theo chia sẻ của thầy Bình, quá trình nhà trường triển khai thành lập lớp học ảo rất thuận lợi. Trên cơ sở phòng học đã có sẵn, các trang thiết bị như camera, máy chiếu, micro,… được Sở GD&ĐT TPHCM cũng như Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TPHCM hỗ trợ đầy đủ.

Linh hoạt nhiều hình thức

Tại Trường tiểu học Tân Tạo (quận Bình Tân) có gần 3.300 học sinh chia làm 70 lớp. Toàn trường cũng chỉ có 5 thầy cô dạy tiếng Anh biên chế. Để có đủ giáo viên giảng dạy môn học này, nhà trường buộc phải hợp đồng với 5 giáo viên khác.

Khắc phục thiếu giáo viên tiếng Anh bằng lớp học ảo ảnh 1
Giờ học của học sinh Trường tiểu học Tân Tạo.

Cô Phạm Thị Đoan Trang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết giải pháp của trường là khối lớp 3 có 14 lớp, trong đó có 8 lớp bán trú mỗi tuần học 6 tiết tiếng Anh và 6 lớp học mỗi tuần 7 buổi có 5 tiết tiếng Anh. Khối 1,2 và 4,5 các lớp bán trú sẽ dạy mỗi tuần 6 tiếng Anh, còn các lớp học 7 buổi sẽ dạy 4 tiết.

Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, năm học 2022-2023, tiếng Anh và Tin học trở thành môn bắt buộc đối với học sinh lớp 3. Tuy nhiên, hiện TPHCM chưa cung ứng được lực lượng giáo viên do đang thiếu nguồn tuyển, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh và Tin học ở bậc tiểu học.

“Thời gian qua Sở cũng đã có hướng dẫn các trường hợp đồng ngắn hạn giáo viên tiếng Anh ở cấp THCS trong thời gian chưa tuyển đủ giáo viên. Cụ thể giáo viên ở cấp THCS sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình ở trường có thể thực hiện công tác hợp đồng ngắn hạn tại các trường tiểu học. Tất nhiên các trường cần giáo viên cũng phải đảm bảo đủ chế độ cho thầy cô giáo tham gia theo hợp đồng”, ông Minh cho biết.

Ngoài ra, ngành giáo dục TPHCM cũng đã đề nghị các trường nội thành chia sẻ giáo viên đến các trường ngoại thành, đặc biệt là xã đảo Thạnh An và các trường ở các huyện xa xôi; xây hình thức dạy học trực tuyến với học sinh ngoại thành để tăng cường năng lực tiếng Anh, giúp các đơn vị tiếp cận nền giáo dục tốt nhất.

“Đối với giáo viên ở thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) có thể di chuyển ra dạy tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) hoặc có những tiết dạy kết nối với học sinh ngoài xã đảo. Đây là hoạt động chia sẻ để cho thầy cô giáo có tinh thần thực hiện nhiệm vụ, đồng thời là giải pháp khả thi trong khi chờ lực lượng giáo viên bổ sung”, ông Minh cho biết thêm.

Năm học 2022-2023, TPHCM cần tuyển hơn 5.200 giáo viên, trong đó tiểu học hơn 2.300, THCS gần 1.700, mầm non gần 900 và THPT gần 300. Các môn thiếu giáo viên nhiều nhất là Tiếng Anh, Tin học.

Bài liên quan
Giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Chiều 4/11, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu giải trình tại Quốc hội về một số giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khắc phục thiếu giáo viên tiếng Anh bằng lớp học ảo