Ngày hội do Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Sở GD&ĐT Đồng Tháp tổ chức.
Sáng 6/4, Ngày hội Giáo dục STEM với chủ đề "STEM quanh ta" khai mạc tại Trường Đại học Đồng Tháp, thu hút hơn 4.000 học sinh, giáo viên tham gia.
Tham dự Ngày hội, về phía Bộ GD&ĐT có ông Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông; ông Đinh Minh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính.
Về phía Báo Giáo dục và Thời đại có nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập; nhà báo Dương Thanh Hương - Phó Tổng Biên tập.
Đồng thời, sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, các Sở GD&ĐT của 6 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu khai mạc Ngày hội, nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban Chỉ đạo Ngày hội nhấn mạnh, với cách tiếp cận tích hợp giữa Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học, giáo dục STEM không chỉ là một phương pháp giảng dạy hiện đại, mà còn là cầu nối giúp học sinh rèn luyện những năng lực thiết yếu của công dân thế kỷ 21. Đó là, tư duy logic, sáng tạo, giải quyết vấn đề, hợp tác hiệu quả và khả năng tự học suốt đời.
Theo nhà báo Triệu Ngọc Lâm, thực tiễn triển khai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy giáo dục STEM đang ngày càng phát huy hiệu quả.
Tại nhiều cơ sở giáo dục, học sinh không chỉ hào hứng hơn với việc học mà còn chủ động tìm tòi, sáng tạo ra những sản phẩm thiết thực gắn với đời sống. Các em được rèn luyện tư duy phân tích, kỹ năng làm việc nhóm và khả năng trình bày ý tưởng một cách khoa học.
Đồng thời, đội ngũ giáo viên cũng từng bước nâng cao năng lực tổ chức dạy học tích hợp, áp dụng hiệu quả các công cụ, thiết bị và phương pháp hiện đại để mang đến những tiết học sinh động và giàu tính ứng dụng.
Quan trọng hơn, giáo dục STEM không chỉ diễn ra trong lớp học mà đã lan tỏa ra nhiều hình thức đa dạng: từ các buổi thí nghiệm, các dự án liên môn cho đến những cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc tế - nơi học sinh Việt Nam đã và đang khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sự tự tin của mình trên trường quốc tế.
“Ngày hội STEM hôm nay chính là dịp đặc biệt để các em học sinh thể hiện sự sáng tạo, tư duy khoa học và tinh thần hợp tác thông qua các mô hình, sản phẩm, thí nghiệm và hoạt động trải nghiệm phong phú”, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại nói.
Theo nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Ngày hội Giáo dục STEM không chỉ là một sân chơi trí tuệ, mà còn là nơi ươm mầm cho những ý tưởng khởi nghiệp, những công trình khoa học trong tương lai – được khơi nguồn từ chính niềm đam mê và khát vọng của học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước.
"Tôi tin tưởng rằng, từ những 'hạt giống STEM' được gieo trồng hôm nay, ngành Giáo dục nước nhà sẽ gặt hái được một thế hệ trẻ bản lĩnh, sáng tạo, đầy khát vọng – đủ năng lực và phẩm chất để đồng hành cùng đất nước trên hành trình phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng", nhà báo Triệu Ngọc Lâm nhấn mạnh.
Ông Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ GD&ĐT) đánh giá, ngày hội Giáo dục STEM với chủ đề "STEM quanh ta" tại Trường Đại học Đồng Tháp là một sự kiện đặc biệt dành cho các em học sinh Trung học phổ thông.
"Đây là cơ hội để chúng ta cùng nhau khám phá và trải nghiệm những lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học, những ngành học đang định hình tương lai và góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước", ông Đỗ Đức Quế nhấn mạnh.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định sự phát triển của quốc gia, là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì vậy, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ông Đỗ Đức Quế cũng nhấn mạnh, trong Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng quy mô đào tạo bậc đại học có thể đạt đến 1 triệu sinh viên theo học khối ngành STEM.
Ngoài ra, chương trình giáo dục phổ thông mới cũng được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, tạo môi trường học tập, rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất, tinh thần.
Từ đó, học sinh trở thành người học tích cực, tự tin, hoàn thành tri thức, kỹ năng hiện đại và trở thành công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện nay.
Theo ông Đỗ Đức Quế, hiện nay tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia các ngành STEM tại Việt Nam đạt từ 28%-30%. Đây là một con số đáng khích lệ, phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng đối với các ngành khoa học công nghệ, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta có dân số lớn và nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao đang ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, nếu so với các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Đức hay Phần Lan, tỷ lệ này còn có thể nâng cao hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
"Ngày hội STEM hôm nay không chỉ là một sự kiện học thuật, mà là một sân chơi sáng tạo và năng động, nơi các em học sinh sẽ được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm thực tế, từ việc thiết kế sản phẩm đến tham gia các trò chơi và cuộc thi khoa học. Những hoạt động này không chỉ giúp các em nâng cao kiến thức, mà còn phát triển các kỹ năng quan trọng như tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm – những kỹ năng cần thiết để các em có thể tự tin bước vào các ngành nghề đầy thử thách và tiềm năng trong tương lai", ông Đỗ Đức Quế nói.
Ngày hội Giáo dục STEM với chủ đề “STEM quanh ta” có hơn 40 gian hàng tư vấn của các trường đại học ở cả khối công lập và tư thục, đa dạng ngành đào tạo từ kinh tế, nhân văn đến kỹ thuật, khoa học, công nghệ.
Ngoài ra, Ngày hội còn có sự tham dự của các doanh nghiệp công nghệ với những tiến bộ về khoa học ứng dụng để giới thiệu triển vọng nghề nghiệp của giáo dục STEM.
Tại Ngày hội, nhiều thông tin hữu ích về giáo dục STEM sẽ được các chuyên gia chia sẻ thông qua 2 buổi hội thảo: "Định hướng nghề nghiệp STEM" và "Công nghệ STEM và giáo dục".
Đồng thời, tại các gian hàng sẽ có nhiều mô hình ứng dụng STEM trong cuộc sống, trong học tập cũng được trưng bày. Từ đó, học sinh có thể tìm hiểu, trải nghiệm một số ngành nghề về STEM để có định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Ngày hội Giáo dục STEM với chủ đề “STEM quanh ta” được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những hoạt động giáo dục trọng điểm, góp phần nâng cao nhận thức và phát triển giáo dục STEM cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
PGS.TS Hồ Văn Thống - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp khẳng định, nhà trường cam kết với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Báo Giáo dục và Thời đại, lãnh đạo các sở GD&ĐT, các em học sinh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sẽ đồng hành trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đặc biệt ứng dụng AI, STEM trong quá trình giảng dạy.
"Cam kết này sẽ đưa Trường Đại học Đồng Tháp bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên số, kỷ nguyên vươn mình như Đảng và Nhà nước đã đề ra", PGS.TS Hồ Văn Thống nói.
TS Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, tham dự Ngày hội lần này, nhà trường cũng dành các suất học bổng trị giá 12 tỷ đồng cho các em học sinh các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tham dự.