Vòng Chung kết cuộc thi Robocon ORC toàn quốc 2025 khai mạc ngày 26-27/7/ tại cơ sở Thủ Đức, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM).
Robocon ORC toàn quốc quy tụ gần 170 đội thi từ các trường tiểu học, THCS, THPT và đại học trên khắp cả nước.
Với chủ đề “Chung tay xây dựng một thế giới phát triển bền vững”, Robocon ORC 2025 khuyến khích học sinh, sinh viên ứng dụng công nghệ robot để giải quyết các bài toán thực tiễn về thu gom rác thải và tái sử dụng nguyên vật liệu.
Các đội thi vận dụng kiến thức về lập trình, cơ điện tử và tự động hóa để thiết kế và chế tạo robot, từ mô hình nhỏ đến quy mô công nghiệp, thực hiện các nhiệm vụ theo cơ chế tự động hoặc điều khiển bằng tay.
Cuộc thi được tổ chức ở cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp, chia thành ba bảng: Junior (học sinh tiểu học), Explorer (học sinh THCS và THPT) và Master (sinh viên). Sự kiện năm nay ghi nhận sự tham gia ấn tượng với 49 đội Junior, 82 đội Explorer và 44 đội Master, hứa hẹn những màn tranh tài kịch tính.
Các đội thi đấu theo hình thức liên minh qua 2 vòng: vòng tính điểm và vòng loại trực tiếp. Ở vòng tính điểm, mỗi đội thi đấu ba trận với ba liên minh khác nhau, chọn ra 32 đội xuất sắc nhất (16 đội hạt giống và 16 đội liên minh) để bước vào vòng loại trực tiếp, tìm kiếm nhà vô địch.
Theo PGS.TS Thoại Nam, Giám đốc Trung tâm Điện toán, Trường Đại học Bách khoa, đồng Trưởng ban tổ chức, mỗi bảng thi có độ khó và yêu cầu sáng tạo riêng.
Bảng Junior tập trung vào lập trình cơ bản, trong khi bảng Explorer và Master đòi hỏi kỹ năng cao hơn, đặc biệt ở bảng Master với nhiệm vụ điều khiển robot bắn chính xác vào “đài năng lượng” để ghi điểm tối đa.
"Thiết bị tốt chưa chắc đã quyết định chiến thắng. Tính sáng tạo và chiến thuật thi đấu mới là yếu tố then chốt", PGS Nam nhấn mạnh.
Thời gian thi đấu cũng được quy định chặt chẽ: bảng Master có 180 giây (vòng tính điểm) và 150 giây (vòng loại); bảng Junior và Explorer lần lượt là 150 giây và 120 giây.
Ban tổ chức hỗ trợ thiết bị chế tạo robot cho các đội, trừ bảng Master yêu cầu tự chuẩn bị robot. Robot sử dụng ở bảng Junior là Rover và các mẫu robot trong nước; bảng Explorer dùng ORC K2, trong khi bảng Master sử dụng ORC K3. Điều này không chỉ kiểm tra kỹ năng kỹ thuật mà còn thúc đẩy sự sáng tạo và khả năng làm việc nhóm của các đội.
PGS.TS. Huỳnh Kỳ Phương Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, khẳng định vai trò của nhà trường không chỉ là đơn vị đăng cai mà còn là cầu nối trong hệ sinh thái giáo dục STEM.
"Chúng tôi mong muốn tạo ra không gian học tập thực tiễn, nơi học sinh, sinh viên áp dụng kiến thức vào các vấn đề xã hội như xử lý rác thải và phát triển bền vững", ông chia sẻ.
Theo PGS Hạ, Robocon ORC 2025 không chỉ là sân chơi công nghệ mà còn là nơi rèn luyện kỹ năng hợp tác, tư duy linh hoạt và giải quyết vấn đề. Các đội phải làm việc nhóm, lên ý tưởng, thử nghiệm và cải tiến robot để đạt hiệu quả cao nhất.
"Những kỹ năng này là nền tảng quan trọng trong thế kỷ 21", ông Hạ nói.