Khai thác sức mạnh văn hóa kinh doanh của Việt Nam thời kỳ mới

Hoài Nam | 20/10/2023, 15:27
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - MSF 2023 tập hợp các bên liên quan thảo luận về tầm quan trọng của việc khai thác sức mạnh văn hóa kinh doanh có bản sắc của Việt Nam.

Ngày 19/10 tại Hà Nội, Samsung Việt Nam, phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đã tổ chức Diễn đàn đa phương (MSF) 2023 với chủ đề: “Khai thác sức mạnh Văn hóa Kinh doanh của Việt Nam hướng tới bền vững và cạnh tranh trong thời kỳ mới”.

Diễn đàn MSF 2023 được kỳ vọng sẽ góp một tiếng nói quan trọng trong việc hình thành một văn hóa kinh doanh của Việt Nam năng động và kiên cường. Đồng thời, thúc đẩy phát triển bền vững và cải thiện vị thế cạnh tranh của Việt Nam trước bối cảnh biến động mạnh mẽ không ngừng của nền kinh tế toàn cầu.

samsung-viet-nam-1-.jpg
Các đại biểu trong phiên thảo luận chuyên gia về Văn hóa kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ mới.

Phát triển văn hóa kinh doanh có bản sắc theo định hướng bền vững giúp gia tăng năng lực cạnh tranh mang ý nghĩa quan trọng đối với sự thịnh vượng của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, việc nhận thức và phát huy được những ưu thế về văn hóa có vai trò mang tính bước ngoặt cho việc định hình tương lai của Việt Nam với tư cách là một cộng đồng kinh doanh có trách nhiệm và nền kinh tế mới nổi có khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Không chỉ vừa khẳng định các dấu ấn văn hóa khác biệt và phát huy lợi thế cạnh tranh, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động Việt Nam còn cần tích hợp thêm các giá trị toàn cầu, bao gồm các chuẩn mực đạo đức kinh doanh, và thúc đẩy hợp tác toàn cầu một cách nhanh chóng hơn nữa. Sự tích hợp này sẽ giúp tạo ra sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhiều thị trường khác nhau, từ đó góp phần thúc đẩy việc tạo ra các giá trị mới và thích ứng cao với các biến động của thời đại.

MSF 2023 tập hợp các bên liên quan để thảo luận về tầm quan trọng của việc khai thác sức mạnh văn hóa kinh doanh có bản sắc của Việt Nam và các chiến lược tối đa hóa các giá trị này trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Chương trình bao gồm một phiên thảo luận toàn thể với chủ đề “Văn hóa kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ mới”, cùng với hai phiên thảo luận song song: “Thực hành tốt trong khai thác tiềm năng văn hóa doanh nghiệp cho cạnh tranh và bền vững”, và “Vai trò và đóng góp của người lao động trong xây dựng văn hóa kinh doanh bền vững và cạnh tranh”.

Đặc biệt, tại Diễn đàn, lần đầu tiên một nghiên cứu đương đại về "Nhận diện Văn hoá kinh doanh Việt Nam và hàm ý cho phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh" được giới thiệu. Nghiên cứu nhận được sự góp ý chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành trên cơ sở khảo sát và vận dụng các tiếp cận và kết quả của các nghiên cứu Quốc tế vào điều kiện của Việt Nam.

samsung-viet-nam-2-.jpg
Các đại biểu trong phiên thảo luận song song.

Kết quả của nghiên cứu hy vọng sẽ không chỉ đem lại những góc nhìn mới cho các nhà quản lý, nhà hoạch định trong thúc đẩy văn hóa kinh doanh có bản sắc, hiện đại, và mang tính thích ứng cao. Bên cạnh đó, kết quả của nghiên cứu cũng hữu ích cho các doanh nghiệp, các tổ chức công đoàn và người lao động trong thực tiễn quản trị các mục tiêu của doanh nghiệp thông qua hoàn thiện văn hóa tổ chức và văn hóa doanh nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Vai trò, vị thế quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân trong xã hội ngày càng được khẳng định là điều kiện quan trọng để văn hoá kinh doanh Việt Nam từng bước được khơi dậy, phát huy.

Văn hóa kinh doanh đang có những thay đổi nhất định, hướng đến sự phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm, đòi hỏi doanh nghiệp phải kịp thời nắm bắt để điều chỉnh và thích nghi, qua đó trở thành những đối tác tin cậy, phát huy tính sáng tạo, đổi mới, sẵn sàng hợp tác”.

Chia sẻ quan điểm tại Diễn đàn, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá đây là một vấn đề hết sức thực tiễn, phù hợp với xu hướng và bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với quốc tế trên mọi lĩnh vực, đáp ứng kỳ vọng và mong mỏi của tất cả các cơ quan, đối tác, doanh nghiệp, người lao động và tổ chức công đoàn.

Nếu thực hiện tốt vấn đề này sẽ giúp xây dựng hình ảnh, cải thiện mạnh mẽ khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".

"Tầm quan trọng của văn hóa kinh doanh đối với sự phát triển của một đất nước là vô cùng lớn. Văn hóa kinh doanh không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia kinh doanh tại những điểm còn khoảng trống về pháp luật.

Văn hóa kinh doanh cũng giúp người dân hình thành nên văn hóa tiêu dùng lành mạnh và tham gia có trách nhiệm vào các quan hệ kinh tế với doanh nghiệp và nhà nước.

Người lao động là một chủ thể quan trọng trong văn hóa kinh doanh nói chung và văn hóa tổ chức nói riêng. Do đó, với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ người lao động tại Việt Nam, Công đoàn Việt Nam luôn nỗ lực và sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên liên quan để cùng nhau thảo luận, xác định những vấn đề cần cải thiện, đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm thúc đẩy văn hóa kinh doanh Việt Nam theo hướng cạnh tranh và bền vững” - ông Phan Văn Anh nói.

samsung-viet-nam-3-.jpg
Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại sự kiện, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam có những chia sẻ về nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp lấy con người làm trụ cột: “Trong những năm gần đây, Diễn đàn Đa phương đã trở thành một nền tảng để trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi, đối thoại xây dựng, và thúc đẩy tầm nhìn chung giữa các bên liên quan về sự phát triển bền vững của Việt Nam. Trong tương lai, chúng tôi cam kết nuôi dưỡng những nỗ lực hợp tác này vì sự thịnh vượng chung của tất cả chúng ta.

Là một thành viên của Liên minh Doanh nghiệp có Trách nhiệm (RBA), Samsung Việt Nam luôn ưu tiên hàng đầu việc bảo vệ và tôn trọng quyền lao động cho cả nhân viên của Samsung và người lao động tại các công ty đối tác của chúng tôi.

Các giá trị cốt lõi của Samsung như "Con người", "Vươn tới đỉnh cao", "Thay đổi", "Tính liêm chính" và "Cùng thịnh vượng" được thấm nhuần ở tất cả các cấp quản lý và nhân viên của Samsung. Chất lượng tổ chức được đánh giá định kỳ thông qua chỉ số Văn hóa Samsung, với sự tham gia của tất cả các cấp quản lý và nhân viên.

Quy trình này giúp chúng tôi xác định điểm mạnh và điểm yếu trong văn hóa tổ chức của mình, tối ưu hóa điểm mạnh và tích cực giải quyết các thách thức tồn tại trong văn hóa doanh nghiệp của chúng tôi. Samsung đang không ngừng nỗ lực để đảm bảo rằng nhân viên và người lao động có thể làm việc trong một môi trường làm việc an toàn và tốt nhất, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của xã hội”.

Diễn đàn Đa phương MSF là một sáng kiến của Samsung Việt Nam, tổ chức lần đầu vào năm 2018. Thông qua Diễn đàn, các nhà đồng tổ chức mong mong muốn cùng với các cơ quan thuộc chính phủ, công đoàn, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các cá nhân quan tâm thúc đẩy các thảo luận và hành động có ý nghĩa, vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam.

Bài liên quan
Samsung hợp tác cùng Thế Giới Di Động xử lý pin cũ, tiếp tục lan tỏa hành trình phát triển bền vững
Cùng với Tập đoàn Thế Giới Di Động, Samsung kêu gọi người dùng tham gia vào hành trình phát triển bền vững với hành động đơn giản, thiết thực.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khai thác sức mạnh văn hóa kinh doanh của Việt Nam thời kỳ mới