Sức khỏe

Khám dinh dưỡng định kỳ: “Chìa khóa” giúp trẻ phát triển vượt trội

Phạm Hoa 15/05/2024 06:43

(GDTĐ) - Một chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp con phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, với từng độ tuổi, nhu cầu dinh dưỡng cho bé sẽ có sự thay đổi nhất định, cha mẹ cần nắm rõ.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích cha mẹ nên cho trẻ dưới 16 tuổi đi khám dinh dưỡng thường xuyên, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ. Nhưng lịch thăm khám nên được sắp xếp tùy theo từng giai đoạn phát triển của trẻ, cụ thể như sau:

Trẻ dưới 2 tuổi nên đi khám định kỳ vào các mốc: 3 tháng tuổi, 6 tháng tuổi, 9 tháng, 12 tháng, 15 tháng tuổi, 18 tháng tuổi và 24 tháng tuổi. Đây là giai đoạn phát triển não bộ của trẻ, do đó cha mẹ cần đặc biệt lưu ý về chế độ dinh dưỡng.

Trẻ từ 2 tuổi trở lên cần được đi khám dinh dưỡng định kỳ từ 1 - 2 lần/năm.

Ngoài đi khám định kỳ, cha mẹ cũng nên chủ động đưa bé đi khám dinh dưỡng khi bé có những biểu hiện bất thường. Ví dụ: trẻ lười ăn, có dấu hiệu còi xương, suy dinh dưỡng; trẻ bị rối loạn tiêu hóa; trẻ bị thiếu máu, thiếu vitamin A, D, thiếu kẽm,… Ngoài ra, các em bé có nguy cơ thừa cân, béo phì cũng cần được đi khám dinh dưỡng để điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, phù hợp hơn.

image(2).png

Khám dinh dưỡng cho bé có rất nhiều lợi ích

Thứ nhất, qua buổi khám dinh dưỡng, bác sĩ có thể đánh giá chế độ ăn uống của trẻ đã phù hợp chưa. Trong trường hợp trẻ đang bị thiếu hay thừa chất, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên để cha mẹ thiết kế lại thực đơn ăn uống đảm bảo đủ và cân bằng chất cho bé. Trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, sức đề kháng yếu, trẻ thừa cân, béo phì cần đi khám dinh dưỡng định kỳ để bác sĩ điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng, giúp trẻ phát triển như bạn bè.

Thứ hai, nhờ đi khám dinh dưỡng định kỳ, cha mẹ có cơ hội phát hiện sớm bệnh lý ở trẻ nhỏ (nếu có), từ đó chủ động điều trị cho con từ những giai đoạn đầu, ngăn ngừa biến chứng xấu xảy ra.

Đặc biệt, sau một buổi khám dinh dưỡng cho bé, các bậc phụ huynh sẽ “bỏ túi” thêm nhiều kiến thức bổ ích về dinh dưỡng. Qua đó, xây dựng chế độ ăn uống khoa học, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ, ngăn ngừa nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa , biếng ăn, tiêu chảy hoặc táo bón ở trẻ nhỏ.

Khi nào nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trong thời gian 1.000 ngày đầu đời của trẻ, chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Vì đây là giai đoạn tập trung cho sự phát triển của não bộ và tạo lập nền tảng thể chất về lâu dài nên các bậc cha mẹ cần quan tâm, chú trọng hơn.

Ở những cột mốc như 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 15 tháng, 18 tháng và 24 tháng, việc khám dinh dưỡng cho trẻ em định kỳ giúp đảm bảo trẻ được phát triển tối ưu nhất. Còn đối với trẻ từ 2 tuổi trở đi thì thực hiện khám dinh dưỡng định kỳ ít nhất 1 – 2 lần/năm sẽ giúp duy trì sự phát triển ổn định và từ đó góp phần ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan.

Bố mẹ cũng cần thường xuyên quan sát con trẻ và khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường như: bé nhẹ cân, thấp còi so với tiêu chuẩn thông thường, hệ tiêu hóa thường gặp vấn đề hoặc bé bị thừa cân… thì nên được thăm khám và tư vấn về chế độ dinh dưỡng để kịp thời phát hiện và xử lý ngay các vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.

Những lưu ý khi đưa trẻ đi khám dinh dưỡng

Để việc khám dinh dưỡng cho trẻ em đạt được hiệu quả tốt, bố mẹ cần lưu ý một số thông tin sau đây.

Nắm rõ biểu hiện và tình trạng của trẻ: Điều quan trọng nhất bạn cần biết rõ khi đưa trẻ đi khám dinh dưỡng là liệu trẻ có đang gặp vấn đề gì về sức khỏe và dinh dưỡng hay không. Hãy dành nhiều thời gian để chăm sóc cho bé và chủ động tìm hiểu kỹ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng của bé. Từ đó, nắm rõ thực trạng cũng như các biểu hiện bất thường trong thời gian gần đây và mô tả cụ thể với bác sĩ dinh dưỡng để giải quyết kịp thời vấn đề.

Ghi nhớ chế độ ăn và thói quen sinh hoạt của bé: Hãy ghi lại các bữa ăn của trẻ trong vòng 1 tháng, 1 tuần gần đây, bao gồm: loại thực phẩm (đồ ăn, thức uống), số lượng và tần suất bé ăn, thời gian ăn… Bên cạnh đó, bạn cần ghi nhớ thời gian ngủ nghỉ, vui chơi, sinh hoạt trong ngày của bé. Tất cả những thông tin này rất quan trọng khi đi khám dinh dưỡng cho trẻ em, hỗ trợ bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng của bé.

Thời điểm cần khám dinh dưỡng cho trẻ: Như thông tin đã đề cập ở trên, tình trạng dinh dưỡng của bé sẽ thay đổi liên tục theo tháng tuổi, do đó, bạn nên cho con khám dinh dưỡng định kỳ cho trẻ để điều chỉnh kịp thời chế độ dinh dưỡng của con, đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển của bé. Khi trẻ phát triển đến 6, 9, 12, 15, 18, 24 tháng tuổi, cần cho trẻ đi khám dinh dưỡng tại các cột mốc quan trọng này.

Chọn địa chỉ khám uy tín: Vấn đề khám dinh dưỡng cho trẻ em ngày càng được chú trọng nên có rất nhiều cơ sở y tế mà bạn có thể lựa chọn đưa bé đến thăm khám. Bạn nên tìm đến những bệnh viện có chuyên khoa dinh dưỡng hoặc các phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng với các chuyên gia hàng đầu để đảm bảo chất lượng thăm khám.

Bài liên quan
Thực phẩm giàu dinh dưỡng, có thể phòng chống ung thư
Cá là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, mang nhiều lợi ích cho sức khỏe trong đó có phòng chống ung thư.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khám dinh dưỡng định kỳ: “Chìa khóa” giúp trẻ phát triển vượt trội