Phát triển văn hóa theo quan điểm mà Đảng đề ra luôn hướng tới sự toàn diện và hài hòa. |
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được ví như “Hội nghị Diên Hồng” của ngành văn hóa. Hội nghị mang ý nghĩa quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang thời kỳ mới, tập trung phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…
Đặc biệt là việc xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn và phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc…
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hội thảo Văn hóa năm 2022 đã bàn về “vấn đề rất lớn và rất khó” - đó là thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa. Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định trong hội thảo rằng: “Bản chất cốt lõi của văn hóa chính là một nguồn sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và cũng là động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước”.
Đồng thời, phát triển văn hóa theo quan điểm mà Đảng đề ra luôn hướng tới sự toàn diện và hài hòa. Trong đó nhân tố con người giữ vị trí then chốt, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng. Văn hóa giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị và các chuẩn mực.
Lấy con người làm trung tâm của chiến lược phát triển văn hóa. Với hàm nghĩa này, phát triển văn hóa chính là phát triển con người, một quá trình phát triển lâu dài và hướng tới tương lai. Chuẩn mực con người chính là chìa khóa phát triển xã hội.
Khẳng định văn hóa là con người, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trong phiên bế mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021: “Cần kiên trì chấn hưng văn hóa và phải bắt đầu từ giáo dục”.
Với vai trò là nhà nghiên cứu văn hóa, đồng thời là nhà giáo, TS Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng: Từ khi có “giáo dục”, ở bất cứ hình thái xã hội nào, cũng đều là vun trồng văn hóa. Chúng ta biết đọc, biết viết, biết làm tính, biết sống tử tế, có đức - trí - thể - mỹ đều là từ giáo dục.
Dạy và học trong cuộc sống, dạy và học lẫn nhau, dạy và học ở nhà trường đều là giáo dục. Nhưng trong đó, ngành Giáo dục với chức năng, trách nhiệm xã hội là tiêu điểm và “bắt đầu” từ đó. “Bắt đầu” không phải là khởi phát đầu tiên, mà là hàng đầu trong kế sách văn hóa. Nhiệm vụ dạy học là trọng tâm của trao truyền văn hóa.
“Giáo dục là thực hành việc trao truyền, bày dạy kiến thức và phương cách, tạo cảm hứng sáng tạo từ thế hệ này sang thế hệ khác cái tổng thể văn hóa đó. Giáo dục có mối quan hệ sứ mạng, công năng với văn hóa. Người thầy tốt là người trao truyền tốt và truyền cảm hứng sáng tạo cho lớp sau”.
TS Nguyễn Hùng Vỹ