Một đối tượng khác trong đường dây này cũng bị khởi tố về tội danh nêu trên, là Phạm Đức Tài (SN 1997). Trong số này, bị can Thảo được tại ngoại, do đang mang thai.
Trước đó ngày 15/12, CAQ Hà Đông đã khám phá, bắt giữ đường dây sản xuất buôn bán hàng giả là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, do Hứa Sỹ Cường (SN 1996, HKTT: Thọ Nghiệp, Xuân Trường, Nam Định) cầm đầu.
Quá trình điều tra xác định, đầu tháng 7/2022, Cường cùng đồng hương là Phạm Đức Tài (SN 1997) biết các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe mang nhãn hiệu KICHMEN 1H và KICHMEN PLUS (được biết đến là sản phẩm hỗ trợ tăng cường chức năng sinh lý nam giới) đang được tiêu thụ nhiều trên thị trường.
Nảy ý định trục lợi từ những sản phẩm này, Cường và Tài thuê nhà tại xã Kim Chung (Hoài Đức - Hà Nội) để kinh doanh online, đồng thời thuê 5 nhân viên để quảng cáo bán các sản phẩm giả.
Cường và Tài còn đặt in bao bì nhãn hiệu rồi mua các sản phẩm hộp 30 viên con nhộng trong lọ thủy tinh. Từ đó chuyển về nhà Cường tại xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, để thực hiện việc sản xuất hàng giả.
Cơ quan CSĐT Công an quận Hà Đông đã kiểm tra, khám xét khẩn cấp 3 địa điểm sản xuất, buôn bán hàng giả gồm: tại địa bàn phường Yên Nghĩa (Hà Đông), xã Kim Chung (Hoài Đức) và nơi ở của Hứa Sỹ Cường tại xã Thọ Nghiệp; thu giữ 185 sản phẩm thành phẩm, hơn 3.300 tem nhãn ghi là hàng giả và nhiều máy tính, điện thoại di động phục vụ sản xuất, buôn bán hàng giả.
Trong vụ án này, ngoài vai trò cầm đầu, chủ mưu của vợ chồng Cường, Thảo, CQĐT xác định Phạm Đức Tài có vai trò giúp sức.
Điều đáng lo ngại là thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng giả trắng trợn của các đối tượng trong vụ án. Chỉ với những viên thuốc dạng nhộng mua trôi nổi trên thị trường, các đối tượng đã nhồi vào bao bì tự sản xuất y chang mẫu mã hàng thật, rồi rao bán trên mạng bằng sản phẩm chính hãng, hệ lụy là người tiêu dùng lĩnh đủ.