Không biết nhục nên cứ… ăn!

Trần Hoà | 13/04/2022, 08:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những ngày nghỉ Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều người tranh thủ thời gian đi ăn “bún mắng cháo chửi”.

Trong khi người dân cả nước hướng về Đền Hùng, tưởng nhớ ngày đại lễ dân tộc với tinh thần truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, thì ngay tại Hà Nội – với sự lan toả mạnh của mạng xã hội lại tranh luận không ngớt về chủ đề “bún mắng cháo chửi”.

bun-mang-chao-chui-gdtd.jpg
Nhiều thực khách không biết nhục nên cứ… ăn! - ảnh IT

Vấn đề này vốn không phải là mới, vài năm trước trên mạng xã hội cũng “nổ” ra những cuộc tranh luận không hồi kết. Người thì lên án thái độ hỗn láo của chủ quán, và phê phán thói tham ăn của thực khách. Người lại bênh vực chủ quán, cho rằng chửi cũng là văn hoá và khách hàng cũng là những người biết thưởng thức ẩm thực.

Trong dòng chảy của văn hoá Việt Nam, ai cũng từng nghe câu thành ngữ “miếng ăn là miếng nhục”. Thành ngữ này cũng được nhắc đến trong một số bài phân tích và phê bình về các tác phẩm văn học, điển hình như Nam Cao. Từ “Trẻ con không được ăn thịt chó” đến “Một bữa no”, người đọc thấy sự ám ảnh và sự thương cảm nhiều hơn là đáng trách giữa một xã hội đói đến xanh mặt. Nhưng người đọc cũng biết đến một Lão Hạc với lòng tự trọng hiếm có, thà chết chứ không để mất phẩm giá.

“Miếng ăn là miếng nhục” có ý nghĩa chấp nhận hi sinh phẩm giá con người để sinh tồn. Và lạ thay, câu thành ngữ lại có liên hệ rất gần với hành vi ứng xử “bún mắng cháo chửi” ở Hà Nội - khi mà thực khách chấp nhận bị chửi và bị nhục để có miếng ăn.

Người bán tha hồ văng tục, chửi khách hàng với đủ mọi lời lẽ khó nghe. Nhưng lạ nhất là khách hàng, luôn nhẫn nhịn để được ăn ngon. Người ta cho rằng, nguồn gốc của sự chửi bới này bắt nguồn từ thời bao cấp, các mậu dịch viên có quyền ban phát ân huệ.

Nhà văn Văn Giá cho rằng, nguyên nhân chính là dân trí thấp nên khi kinh doanh bị môi trường biến thành du côn hóa. Cùng với đó là sự đồng thuận đến khó hiểu của khách hàng, họ không tẩy chay các hàng quán mắng chửi mình, trái lại còn tỏ ra thích thú và tò mò.

Nhà nghiên cứu Vũ Thế Long nhận định, “bún mắng cháo chửi” tồn tại là do lỗi của người tiêu dùng không phản ứng mạnh mẽ. Cán bộ quản lý văn hóa, pháp luật ở Hà Nội chưa thực sự vào cuộc, thay vào đó chỉ là các câu tuyên truyền sáo rỗng.

Có thể thấy rằng, trên bình diện văn hoá hiện nay ở bất cứ nơi nào, sang trọng hay bình dân, quan hệ chủ - khách luôn là quan hệ nguời với nguời. Đơn giản vì ẩm thực là văn hoá hai chiều, giữa người phục vụ và nguời thuởng thức. Quan niệm “khách hàng là thuợng đế” không còn phù hợp, một xã hội bình quyền không tồn tại khái niệm chủ - tớ.

Dù là doanh nhân giàu có hay là ăn mày đói rách, chỉ là sự khác nhau của hoàn cảnh, không khác nhau ở nhân phẩm. Nhưng nếu tỏ thái độ miệt thị nguời khác, thì bất luận là chủ hay khách đều mạt hạng như nhau.

Người có tự trọng tuyệt đối không bao giờ chấp nhận kiểu “ăn thì ăn, không ăn thì cút”. Vì một món ăn yêu thích mà chấp nhận bị nhục... thì chỉ thể hiện thói tham ăn, coi miếng ăn là trên hết, vượt qua nhân phẩm.

Trong văn hoá ẩm thực, ăn ngon hội đủ ngũ quan chứ không riêng gì cái lưỡi. Và trong văn hoá ứng xử, “trời đánh còn tránh miếng ăn” chứ đừng nói đến sự hỗn láo của người bán và thái độ nhu nhược của kẻ ăn.

Bài liên quan
Loạt nghệ sĩ tên tuổi bị VTV gọi tên trong bản tin về văn hóa ứng xử
Rất nhiều nghệ sĩ đã bị gọi tên trong bản tin khoảng 20 phút với chủ đề "Câu chuyện văn hóa: Nghệ sỹ và văn hóa ứng xử" của VTV.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không biết nhục nên cứ… ăn!