Cái tiếng xấu ám ảnh đến mức, cho đến bây giờ, ngồi lên xe máy tôi đèo, mẹ tôi theo bản năng tự vệ, rúm người lại, luôn mồm nhắc nhở chậm thôi con, chậm thôi con, dù đồng hồ báo tốc độ chưa tới 20km/h.
Một lần bạn tôi than rằng con bạn giờ thế này thế kia, con cán bộ không chơi, toàn chơi con nhà gia thế phức tạp. Tự nhiên tôi thấy thương thằng bé, bởi tôi không thấy gia thế nhà bạn nó có gì xấu, và nó có gì sai khi muốn được làm bạn hay yêu ai đó.
Thật phi lý hết sức, khi người lớn chúng ta có một rổ sai lầm, sao không cho đứa trẻ, con cái của chúng ta có cơ hội sai lầm? Nó sai lầm, nó trải nghiệm khi anh còn trẻ, đó là may mắn cho anh, bởi không những nó có ngày rộng tháng dài để làm lại, còn anh thì đang khỏe, còn cơ may giúp nó được. Đợi đến lúc anh già, con sai lầm, đến nước mắt cũng không còn mà khóc, nói gì đến giúp con.
Ngoài kia là mây trắng bay, không biết bao giờ mây hóa thành mưa và ta cũng thế, không biết ở được bên con đến lúc nào. Nên hãy để cho những đứa trẻ lớn lên được sống với cuộc đời của chúng. Nổi loạn một tí. Háo thắng một tí. Phô diễn một tí. Ngu dại một tí. Phá cách một tí. Để chúng tự tìm lấy lối đi cho cuộc đời của mình. Cùng lắm hãy dạy con như Zozo trong truyện One Piece mà bọn trẻ bây giờ hay đọc, "Nhát chém sau lưng là một nỗi nhục đối với kiếm sĩ", để con đừng bỏ chạy trước hiểm nguy và khó khăn.
Tôi tin một điều rằng, những người trẻ có niềm yêu thích rõ ràng, có đam mê cụ thể, và có thần tượng cùng thời đại, là những người hạnh phúc, nhất là nó đến với họ trong tuổi hoa niên. Điều đó đẹp vô cùng. Hãy đón nhận.
Và tôi cũng tin hơn nữa, ở trí tuệ cảm xúc và khả năng mỹ cảm của người trẻ. Đừng bao giờ nhầm lẫn rằng Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã là tác phẩm kinh điển thời chúng ta mà đem gán cho con. Không phải đâu, tác phẩm đã có gần 150 năm rồi, nhịp sống thời đó quá chậm so với các bạn trẻ bây giờ. Giờ là thời đại của Harry Potter. Với tiết tấu nhanh, mạnh, phóng khoáng và biến ảo liên tục cùng lối tư duy kỳ vĩ và khó lường.
Tuổi trẻ là chủ nhân tương lai của thế giới này. Hãy cổ vũ cho họ. Hãy học hỏi ở họ. Và hãy chiêm ngưỡng sự trưởng thành của họ, để thấy thế giới rộng lớn mà mai này con mình sẽ sống. Thay vì dùng cái lồng định kiến để chụp lên tương lai, nhốt họ trong cái rọ tối tăm, thiếu ánh sáng, trì trệ mà cho rằng đó là chân lý.
Nhất là khi thế hệ cha mẹ chúng ta chưa làm được cái gì vươn ra tầm thế giới như BlackPink, đừng cấm cản hay dè bỉu người trẻ thần tượng những người xuất sắc ở cùng thế hệ của họ.
Liên quan đến thần tượng, cá nhân tôi nghĩ có 2 khía cạnh:
Một là sự chấp nhận, cởi mở và tôn trọng giới trẻ như những người đang ở trên sân khấu chính của lịch sử - nghĩa là, thấy đó là một câu chuyện của mọi thế hệ. Đây cũng là dịp để xây đắp tình bạn với con, tìm hiểu cái mẫu hình mà các con đang theo đuổi, thậm chí là cơ hội để làm mới đầu óc của chính bố mẹ (thay vì khước từ thần tượng của con thì khám phá ra các khía cạnh giá trị ở đó, tự mở mang cho mình...). Bởi, suy nghĩ tốt đẹp bao giờ bao giờ cũng cần nhiều nỗ lực hơn là buông mình cho những suy nghĩ xấu.
Ở khía cạnh thứ hai, với ưu thế của tuổi đời, của trải nghiệm, mẹ cha sẽ có sự hiểu biết sâu hơn về tâm lý thần tượng, để có thể qua đó phần nào giúp được các con: một là thấu hiểu chính mình và trạng thái tâm lý của mình, hai là nhìn thấy gốc rễ nó là sự tìm kiếm bản sắc, nền tảng giá trị cho mình - điều mà người trẻ thời nào cũng tìm kiếm.
Tôi cho rằng, tâm lý nổi loạn là dấu chỉ cho cuộc tìm kiếm, định vị mình. Nếu kiến tạo được các giá trị nền tảng cho mình rồi thì không chỉ người trẻ mà người tuổi nào cũng vậy, sẽ không lo câu chuyện bị "cuồng" thần tượng nữa. Chỉ còn cái đẹp của niềm vui thanh xuân.
Năm tháng tuổi trẻ rồi sẽ trôi qua. Họ sẽ trưởng thành rồi trung niên. Và đôi lúc, chẳng ai còn nhớ đến thời vụng dại đó nữa.