Xuất thân từ một cô giáo dạy văn, tác giả có lợi thế về sử dụng ngôn ngữ khi kết hợp linh hoạt các biện pháp tu từ để khiến ý thơ đong đầy trang viết. Đọc văn xuôi mà chẳng thấy cái nhàm chán trong câu chữ, độc giả cứ thả mình nhẹ nhàng trôi theo cảm xúc. Khi thì lên cao cùng dấu ấn đồng bào Thái, Tày, Mường, nhịp sống hối hả của những người dân lao động miền Trung trong “Khúc tình ca Nậm Mộ - Nậm Nơn”, “Duyên nợ đất và người Quế Phong”. Lúc lại xuống thấp với những nốt trầm lắng đọng bao nỗi suy tư.
Đây là một trong những điểm đặc sắc làm nên thành công của cuốn sách, tác giả không chỉ khai thác được cảm xúc của mình khi gặp gỡ với người đồng bào, mảnh đất nơi chị gắn bó mà chị còn làm nổi bật và giới thiệu cho độc giả khắp nơi về vẻ đẹp đặc biệt ấy.
Cuộc sống là một hành trình khám phá bất tận từ nơi này sang nơi khác. Mảnh đất Việt Nam nghiêng nghiêng hình chữ S, chỗ nào không nhớ, không thương, vì vậy chẳng có một lý do gì mà nhà văn lại không viết. Trần Thị Hồng Anh - người đàn bà đan văn bên cửa sổ đã dùng cặp mắt của mình, đôi tay và trí tuệ lưu giữ lại bao khoảnh khắc tươi đẹp hàng ngày. Bình thường, giản dị, chị viết về một loài hoa vừa mới nở, viết về nắng, về gió của thành Vinh nơi chị gắn kết, viết về mùa lá đỏ, về hoa bưởi…
Phải chăng vì có một tấm lòng nhạy cảm với thiên nhiên, con người nên mọi thứ đều được chỉ quan sát thật kỹ càng để rồi trút bỏ lòng xuống trang văn nặng trĩu ân tình. Chả thế thì làm gì có những câu văn dịu dàng như thủ thỉ: “Tiếng ve ướt nhòe tron mùi hương của hoa học trò, trong cái mỏng manh trắng tinh của chùm hoa săng lẻ ngiêng trong mưa xối xả” (Đoản khúc Tháng sáu cho tôi, cho em.
“Ta lặng lẽ ngắm không gian bên ngoài ô cửa. Khoảng trời màu xanh ngọc vắt vẻo đôi vệt mây trắng ánh lên như nét cười thiếu nữ trong veo, từng đốm nắng đùa giỡn với tán bàng xanh biếc, rắc từng dải vàng óng ả xuống sân gạch như rủ rê mời gọi…” (Ở ngoài kia khung cửa). Còn thật nhiều những câu văn đẹp đẽ được chắt chiu đang chờ đợi mỗi người khám phá.
Vùng sinh quyển nhân sinh của chị đến với chúng ta một cách nhẹ nhàng như mùa thu sang chậm, như mưa dầm thấm ướt đêm thâu. Từ tất cả phát hiện dù chỉ là nhỏ nhất đến nỗi niềm sâu kín chị vẫn giấu riêng mình. Không có những đề tài lớn lao. Không có lời lẽ đanh thép. Mùa cỏ như một bản nhạc êm đềm cuốn người ta vào từng cung bậc suy tư, để trải lòng, để đồng cảm và thấu hiểu.
Với nội dung hiền hòa, dịu êm, cuốn sách dễ đi vào lòng người như một khúc du ca giữa cánh đồng xanh ngát. Thế nhưng đâu đó trong cuốn sách vẫn còn những trúc trắc, những điều chưa trọn vẹn về nghệ thuật, cách sử dụng câu từ và dụng công thể loại. Song nhìn tổng thể, Mùa Cỏ vẫn là tác phẩm đáng đọc, đáng ghi nhận để Trần Thị Hồng Anh tiến xa hơn trên con đường văn nghiệp dài rộng phía trước.