Khuyến học xanh là vấn đề mới, là sự đổi mới tư duy trong cách tiếp cận các vấn đề của quốc gia. Trong đó, Hội Khuyến học là chất xúc tác, góp phần vào thành công của các chiến lược lớn.
Sáng 25/4, Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức hội thảo Khuyến học xanh góp phần thực hiện có hiệu quả "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050" theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
GS.TS. Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - chủ trì hội thảo.
Tại sự kiện, GS.TS. Nguyễn Thị Doan nêu rõ: "Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững chưa khi nào được các quốc gia quan tâm như hiện nay. Đây là xu hướng tất yếu, là quy luật để bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta. Không thể đứng ngoài dòng chảy đó, từ tháng 8/2024, cụm từ "khuyến học xanh" đã được Hội Khuyến học Việt Nam đề cập đến.
Nội dung của tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã có nhiều bài viết, nhiều sách phân tích sâu. Song nội dung khuyến học xanh là một vấn đề khó, chưa có nhà khoa học hoặc tổ chức nào chính thức đề cập đến. Vậy làm thế nào để khuyến học xanh hỗ trợ giáo dục xanh trong bối cảnh hiện nay?
Khuyến học xanh là vấn đề mới, là sự đổi mới tư duy trong cách tiếp cận các vấn đề của quốc gia. Trong đó, Hội khuyến học là chất xúc tác, góp phần vào thành công của các chiến lược lớn, bao gồm chiến lược về tăng trưởng xanh của đất nước".
Khuyến học xanh chính là tiền đề cho tư duy xanh và lối sống xanh
Tại hội thảo, GS.TS. Nguyễn Văn Minh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - nhấn mạnh tầm quan trọng của khuyến học xanh, giáo dục xanh. Đây là những tiền đề cho tư duy xanh và lối sống xanh, thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Giáo dục xanh trang bị cho mỗi cá nhân những điều cần thiết để giải quyết các thách thức về môi trường và hướng tới một tương lai bền vững.
GS.TS. Nguyễn Văn Minh đề xuất đối với bậc phổ thông, các nhà trường cần chú trọng vào hoạt động trải nghiệm, chẳng hạn như các chuyến đi thực tế, dã ngoại trong thiên nhiên và các hoạt động ngoài trời.
Những trải nghiệm thực tế này cho phép học sinh kết nối trực tiếp với môi trường và hiểu sâu hơn về hệ sinh thái và các vấn đề môi trường. Tích hợp các chủ đề về môi trường vào nhiều môn học khác nhau như khoa học, nghiên cứu xã hội, toán học, nghệ thuật, ngôn ngữ.
Đối với bậc đại học, giáo dục xanh liên quan đến việc tạo ra kiến thức, kỹ năng và thái độ của sinh viên đối với môi trường. Nhìn chung, môi trường và nền kinh tế có sự phụ thuộc lẫn nhau, do đó, kết nối giáo dục xanh với nền kinh tế của quốc gia là điều cần thiết.
Nhu cầu về việc làm xanh đang rất cao. Các ngành nghề và lĩnh vực đều cần tạo ra tương lai bền vững. Như vậy, đất nước đang rất cần những sinh viên tốt nghiệp ra trường có định hướng xanh trong lĩnh vực ngành nghề mà họ được đào tạo và sẽ theo đuổi.
Đối với người trưởng thành, các ngành công nghiệp xanh đang ngày càng đòi hỏi những người lao động có hiểu biết sâu, kỹ năng cao, phù hợp với xu hướng mới trong thị trường lao động. Từ sự thay đổi trong yêu cầu của nhà tuyển dụng, nhiều người lao động đang có nhu cầu nâng cao kỹ năng để thích ứng với thị trường lao động hiện nay.
Đây chính là cơ hội để khuyến học xanh, giúp người lao động nâng cao tư duy và kỹ năng, để họ có thể "làm việc xanh" và đóng góp vào tăng trưởng xanh.
Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đòi hỏi sự thay đổi trong mọi lĩnh vực nghề nghiệp, ở đây, khuyến học xanh, giáo dục xanh phải đóng vai trò căn bản.
Khuyến học xanh là học tập suốt đời vì sự phát triển bền vững
PGS.TS. Trương Mạnh Tiến - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam - nhìn nhận khái niệm khuyến học xanh là một định hướng kết hợp giữa tinh thần học tập suốt đời với tư duy xanh, lối sống xanh.
Trong tham luận của mình, PGS.TS. Trương Mạnh Tiến đã đưa ra đề xuất về khái niệm khuyến học xanh, các mục tiêu và nội dung của khuyến học xanh, cũng như các mô hình tiêu biểu trong khuyến học xanh. Đặc biệt, ông còn nêu ra những thuận lợi và khó khăn khi triển khai khuyến học xanh.
Về thuận lợi của khuyến học xanh, Đảng và Nhà nước đang có những chủ trương lớn về phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. Hệ thống tổ chức của Hội Khuyến học và mạng lưới trong cộng đồng bao phủ rộng khắp. Nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường ngày càng tăng. Sự hỗ trợ từ công nghệ và xu hướng giáo dục mở giúp chúng ta phá vỡ nhiều giới hạn.
Dù vậy, hoạt động khuyến học xanh vẫn đang gặp phải những thách thức như thiếu khung chương trình, tài liệu chuẩn hóa; năng lực triển khai còn hạn chế ở nhiều địa phương; thiếu kinh phí và cơ chế tài chính dài hạn; sự quan tâm chưa đồng đều giữa các vùng miền, lĩnh vực; tâm lý coi khuyến học xanh là phong trào ngắn hạn, thiếu chiều sâu vẫn còn tồn tại.
Từ đó, PGS.TS Trương Mạnh Tiến đã đưa ra các đề xuất như xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hoạt động khuyến học xanh, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác khuyến học, tích hợp nội dung khuyến học xanh vào chương trình giáo dục, có cơ chế tài chính khuyến khích phát triển mô hình khuyến học xanh, tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế, đẩy mạnh truyền thông để lan tỏa mô hình khuyến học xanh tiêu biểu.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhấn mạnh khuyến học xanh là bước chuyển tất yếu trong bối cảnh giáo dục toàn cầu đang thích ứng với yêu cầu phát triển bền vững. Đây không phải là một phong trào ngắn hạn, mà là một chiến lược lâu dài để tạo ra một xã hội học tập xanh.
Việc đầu tư vào khuyến học xanh cũng chính là đầu tư vào tương lai, vào một thế hệ công dân có tri thức, có trách nhiệm và có khả năng kiến tạo một Việt Nam phát triển bền vững.