'Kích nổ' khoa học công nghệ và thu hút nhân tài

25/06/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thực tế cho thấy, có sự thiếu hụt nhà khoa học đầu ngành trong các trường, viện nghiên cứu.

Do vậy, cần có cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài và đột phá “kích nổ” trong khoa học, công nghệ.

Thiếu hụt nhà khoa học đầu ngành

Theo ông Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội Phú Yên, cốt lõi trong phát triển khoa học, công nghệ phải là vấn đề nhân tài. Trong báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ nêu, đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ có tăng nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành.

Đây là vấn đề không mới nhưng vẫn nóng bởi ngay trong nghị quyết Trung ương 6 khóa XI từ năm 2012 đã nêu rõ phải tăng cường phát triển đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành. “Thực tế, khi khảo sát các trường, viện nghiên cứu chúng tôi thấy rõ sự hụt hẫng các nhà khoa học đầu ngành” - ông Đỗ Chí Nghĩa chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đặt vấn đề, tại sao thời chiến tranh hay những năm tháng bao cấp kinh tế khó khăn, thông tin ít, chúng ta vẫn tự hào có đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Bây giờ, điều kiện công nghệ phẳng, con người có thể tiếp cận nhiều với khoa học thế giới, điều kiện kinh tế - xã hội cũng tốt hơn nhiều thì đội ngũ khoa học đầu ngành lại thiếu hụt.

“Tôi nghĩ Bộ Khoa học và Công nghệ và tiềm lực của đất nước chúng ta cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với khoa học, công nghệ; coi khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu thì đây là thời cơ để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ” - ông Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Đỗ Chí Nghĩa băn khoăn, không biết Bộ Khoa học và Công nghệ đã thống kê các lĩnh vực khoa học của đất nước, trong các trường, viện nghiên cứu - lĩnh vực nào thiếu bao nhiêu nhà khoa học đầu ngành; lĩnh vực nào đã có những nhà khoa học đầu ngành. Khoa học cần những sản phẩm cụ thể, giải pháp cặn kẽ đi vào chính sách và những đơn vị.

Chiêu mộ nhân tài

Đặt vấn đề đâu là điểm “kích nổ” về chính sách để Việt Nam bứt phá khoa học công nghệ, ông Lê Thanh Vân - Đoàn Đại biểu Quốc hội Cà Mau cho rằng, điểm “kích nổ” chính là nhân tài; chỉ có nhân tài, nhất là nhân tài khoa học công nghệ mới có thể làm thay đổi diện mạo công nghệ ở Việt Nam. Những ứng dụng trong quản lý và phát triển kinh tế, đặc biệt phòng thủ quốc gia, bảo vệ trật tự, an ninh nếu không có công nghệ hiện đại, chúng ta sẽ thua xa các nước, trước hết là láng giềng.

Theo ông Lê Thanh Vân, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư buộc chúng ta phải thay đổi để thích ứng. Theo đó, thứ tự ưu tiên trong lựa chọn chính sách để “kích nổ” khoa học, công nghệ là nhân tài. Muốn vậy, cần thu hút và phát triển nhân tài ở các lĩnh vực như: Trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ thông tin, vật liệu mới và một loạt những vấn đề khác trong y tế, giáo dục…

'Kích nổ' khoa học công nghệ và thu hút nhân tài ảnh 1
Các tân cử nhân Học viện quản lý Giáo dục. Ảnh: NTCC

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lân Hiếu - đại biểu Quốc hội Bình Định nhấn mạnh, thu hút nhân tài để phát triển khoa học công nghệ, tuy nhiên việc này thực hiện rất khó khăn. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có phương án để chiêu mộ nhân tài làm việc.

Đồng tình với quan điểm, muốn đột phá, “kích nổ” trong khoa học, công nghệ thì phải có nhân tài; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, chúng ta phải có môi trường để họ cống hiến; đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp.

Ngày xưa trong điều kiện khó khăn nhưng chúng ta có những nhà khoa học nổi tiếng như: Trần Đại Nghĩa sản xuất ra bom bay hay bom ba càng; Đặng Văn Ngữ sản xuất Penicillin nước hay nhà bác học Lương Định Của. Hiện nay, chúng ta phải thu hút được nguồn lực xã hội để đảm bảo được những sáng kiến và sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, có nhiều giải pháp để bứt phá trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, trước tiên và quan trọng là chúng ta đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đầu tư cả kinh phí, nguồn lực và cơ chế chính sách để các nhà khoa học có điều kiện và sẵn sàng tâm thế cống hiến.

Tin tưởng năng lực của các nhà khoa học Việt Nam, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, nếu chúng ta đầu tư đúng mức, tạo điều kiện thích hợp thì sẽ phát huy được năng lực nghiên cứu khoa học cũng như đổi mới sáng tạo của các nhà khoa học. “Tới đây, chúng tôi sẽ trình đề án về đội ngũ tri thức trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và lưu ý vấn đề này để thể hiện vào đề án” - Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay.

Trăn trở với vấn đề thu hút nhân tài, người đứng đầu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bày tỏ, chủ trương thì có nhưng khi triển khai ở cơ sở lại gặp nhiều khó khăn, vì còn liên quan các quy định của Luật Công chức, viên chức... Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thông tin, vừa rồi triển khai Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ trí thức, Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ giao xây dựng đề án này. Đây là nhiệm vụ khó nhưng Bộ sẽ cố gắng hết sức để đề án thực sự thu hút những nhà khoa học, nghiên cứu trong và ngoài nước về làm việc với chúng ta một cách hiệu quả nhất.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, điểm cốt lõi trong chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ là cần lựa chọn và sử dụng theo trình độ chuyên môn, không bị ràng buộc bởi các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn mang tính hành chính. Đồng thời giao quyền chủ động cho người làm công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ.

Bài liên quan
Chủ tịch mới của Alibaba là ai
Ông Joseph Tsai từng là cánh tay phải của tỷ phú Jack Ma nhờ vốn kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực luật, tài chính. Ông cũng được nhận xét khôn khéo hơn nhiều ông Ma.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Kích nổ' khoa học công nghệ và thu hút nhân tài