Đánh giá cuối năm học, sẽ không khen thưởng những cơ sở giáo dục có cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh vi phạm nồng độ cồn.
Bên cạnh đó là xem xét trách nhiệm, xếp loại đối với cán bộ quản lý, hiệu trưởng nhà trường có cấp dưới, học sinh vi phạm liên quan đến an toàn giao thông...
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã đi vào cuộc sống.
Qua đó tạo thành hành lang pháp lý chặt chẽ với chế tài xử phạt nghiêm minh, có tính răn đe, bước đầu thu được hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông.
Thời gian qua lực lượng cảnh sát giao thông đã liên tục nhắc nhở, tuyên truyền người dân “đã uống rượu bia thì không lái xe”, nhưng tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi lái xe vẫn còn xảy ra.
Chỉ tính riêng trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2024 vừa qua (từ 31/8/2024 - 3/9/2024), lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ đã kiểm tra, phát hiện xử lý 59.685 trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền 128 tỷ 621 triệu đồng; tạm giữ 585 xe ô tô, 21.469 xe mô, 465 phương tiện khác và tước 10.912 giấy phép lái xe các loại.
Trong đó, lực lượng chức năng xử lý vi phạm về nồng độ cồn 16.387 trường hợp, đáng chú ý, có nhiều trường hợp vi phạm là cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang đã có những văn bản chỉ đạo liên quan đến vi phạm nồng độ cồn. Đặc biệt, Công an tỉnh Bắc Giang tích cực tuần tra, kiểm soát xử lý trường hợp lái xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ và cung cấp cho ngành GD-ĐT những cán bộ, quản lý, giáo viên, học sinh vi phạm liên quan đến an toàn giao thông trong đó, có nồng độ cồn.
“Nếu có cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục, học sinh, sinh viên thuộc sở GD&ĐT vi phạm nồng độ cồn, đơn vị sẽ chỉ đạo hiệu trưởng, thủ trưởng các đơn vị tiến hành xử lý kỷ luật theo chỉ đạo chung...”, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang thông tin.
Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng lưu ý, khi đánh giá cuối năm học, những đơn vị có cán bộ, giáo viên, học sinh vi phạm nồng độ cồn (bị kỷ luật) sẽ không khen thưởng và xếp loại tập thể đơn vị xuất sắc. Đáng chú ý là hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị sẽ được xếp loại thi đua cao nhất là hoàn thành.
“Thầy, cô giáo phải là những tấm gương tuyên truyền người dân: Đã uống rượu bia thì không lái xe. Vì vậy, ngoài việc xử lý cán bộ, giáo viên, học sinh vi phạm nồng độ cồn (nếu có) thì sẽ xem xét đánh giá xếp loại trường học, thi đua với cán bộ quản lý, thủ trưởng đơn vị…”, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang nói.
Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Bắc Giang, năm học 2023 - 2024 vẫn có trường hợp giáo viên, học sinh tại Bắc Giang vi phạm nồng độ cồn được cơ quan chức năng xử lý, tuy nhiên với số lượng rất ít.
Vì vậy, cùng với các nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, toàn ngành GD-ĐT Bắc Giang thực hiện nghiêm quy định Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Đồng thời xử lý nghiêm tại đơn vị, cơ sở giáo dục để làm gương đối với trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh vi phạm an toàn giao thông đường bộ, trong đó có nồng độ cồn.
Liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn, Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị số 35/CT-TTg (ngày 17/9/2024) về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Phải xác định việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu của cán bộ trong chấp hành pháp luật về giao thông có ý nghĩa rất quan trọng để định hình lại thói quen chấp hành pháp luật, trước hết là pháp luật giao thông, cũng như các quy định khác của pháp luật trong toàn xã hội.
Chỉ thị nêu rõ, khi có thông báo của cơ quan chức năng về việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, cơ quan quản lý cán bộ căn cứ quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và quy định riêng của cơ quan, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý nghiêm theo quy định.
Đồng thời, việc xử lý phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nghiêm cấm việc bao che, giấu giếm khuyết điểm cho cán bộ, công chức, viên chức vi phạm và định kỳ hằng năm (trước ngày 15/10) trao đổi kết quả xử lý kỷ luật với cơ quan gửi thông báo vi phạm để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, Chỉ thị nêu rõ: Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có nhiều người vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của lực lượng thực thi công vụ hoặc xử lý không nghiêm minh, chưa kịp thời cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý…
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương trong quá trình tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông phải tuân thủ tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua lỗi vi phạm; xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ không xử lý triệt để, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính về giao thông.
Quá trình xử lý phải tiến hành xác minh, nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm phải được thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
Với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải tập trung, chỉ đạo các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vinh dự, trách nhiệm và yêu cầu về tiên phong, gương mẫu trong chấp hành pháp luật về giao thông.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa, ứng xử khi tham gia giao thông, góp phần làm cho hoạt động giao thông văn minh và an toàn hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang thiếu gương mẫu, vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông, thậm chí có hành vi không chuẩn mực, không chấp hành việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, nhất là trong việc kiểm tra vi phạm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Riêng trong năm 2023 và quý I năm 2024, lực lượng công an đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và xác minh gửi thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý đối với trên 7.600 đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn.