Tuyển sinh - du học

Làm sao thu hút nữ sinh vào ngành STEM?

26/05/2025 14:52

Nữ sinh học các ngành STEM còn ít và có sự chênh lệch so với nam giới.

Cải thiện thực tế này, các chuyên gia cho rằng, cần những nỗ lực mạnh mẽ để khuyến khích và tạo điều kiện cho nữ giới tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực đột phá này.

Khó “hút” nữ sinh

Theo thống kê năm 2023 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tại Việt Nam, lao động nữ chiếm 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ số. Tuy nhiên, phần lớn họ đảm nhận các công việc có mức lương thấp và ít mang tính kỹ thuật như: Kiểm lỗi phần mềm, tiếp thị, kinh doanh, hành chính hay quản lý nhân sự.

Ông Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho hay, những năm gần đây, tỷ lệ nữ đăng ký và được tuyển sinh vào trường ngày càng tăng. “Hiện, tỷ lệ nữ chiếm khoảng 20%.

Nghĩa là, mỗi năm Trường Đại học Bách khoa tuyển khoảng 5.000 sinh viên thì có khoảng 1.000 nữ sinh”, GS.TS Mai Thanh Phong chia sẻ và nhận thấy, so với tổng thể, sinh viên theo học lĩnh vực STEM còn thấp. Thế nhưng, tỷ lệ nữ tham gia vào lĩnh vực này còn thấp hơn.

Mặc dù có đãi ngộ tốt với phụ nữ khi tham gia vào lĩnh vực STEM nhưng PGS.TS Nguyễn Tiến Đông - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (Bắc Ninh) nhận thấy, vài năm trở lại đây, tỷ lệ lao động nữ trong các ngành khoa học - công nghệ không cao.

Hệ quả của thiếu vắng nữ giới trong các ngành kỹ thuật là thiếu đa dạng tư duy và sáng tạo, làm chậm quá trình đổi mới. Nhiều sản phẩm và dịch vụ công nghệ, nếu được phát triển bởi đội ngũ chỉ có nam giới, có thể thiếu đi sự hòa nhập và không đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các nhóm khách hàng.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Đông, khi phụ nữ bị loại trừ hoặc không được khuyến khích tham gia vào các ngành có giá trị kinh tế cao, toàn bộ xã hội mất đi một phần đáng kể lực lượng lao động tiềm năng. Điều này không chỉ tác động đến việc làm và thu nhập của phụ nữ, mà còn hạn chế khả năng phát triển kinh tế quốc gia.

Ngoài ra, mất cân bằng giới trong tuyển sinh các ngành kỹ thuật - công nghệ cũng tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt nhân lực có trình độ cao. Khi nguồn lực chỉ đến từ nam giới, ngành kỹ thuật không thể tận dụng được tối đa tiềm năng của xã hội.

Xóa bỏ định kiến giới trong định hướng nghề nghiệp

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ cho rằng, một trong các vấn đề quan trọng nằm ở khâu đào tạo nguồn nhân lực. Giáo dục STEM cho các giới cần đầu tư xuyên suốt từ trường phổ thông cho đến khi đi làm.

Ngoài ra, phải xây dựng các mô hình đào tạo và phát triển nhân lực STEM, chuyển đổi số theo từng giai đoạn, từ phổ cập STEM và chuyển đổi số trong giáo dục phổ thông đến đào tạo chuyên sâu và nâng cao năng lực cho lực lượng lao động.

GS.TS Mai Thanh Phong cho rằng, cần thúc đẩy và khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực STEM. Theo đó, cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích học sinh nữ tham gia vào lĩnh vực này. Muốn vậy, trước hết cần nâng cao nhận thức để các em nhìn nhận đúng đắn về ngành, nghề không phân biệt nam hay nữ.

GS.TS Mai Thanh Phong tán thành với đề xuất của Chính phủ về mức vốn cho vay đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán là 5 triệu đồng/tháng.

Chính sách này nhằm hỗ trợ người học các ngành STEM yên tâm học tập, cống hiến, đáp ứng yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp vào mục tiêu đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

“Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục đại học có thể xây dựng chính sách học bổng để hỗ trợ, động viên người học các lĩnh vực STEM. Khi có chính sách hỗ trợ người học tốt, cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp tốt sẽ góp phần tăng tỷ lệ nữ tham gia vào lĩnh vực này”, GS.TS Mai Thanh Phong gợi mở.

Với mục tiêu tạo động lực, khuyến khích và hỗ trợ phụ nữ tham gia vào lĩnh vực STEM và chuyển đổi số, ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) khẳng định, trung tâm cam kết đóng vai trò cầu nối giữa các tổ chức, doanh nghiệp, trường đại học và cộng đồng để xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện, nơi mọi cá nhân, không phân biệt giới tính, đều có cơ hội phát triển và đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội.

Ông Đỗ Đức Lân - Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) kêu gọi các nhà trường, gia đình cùng tạo điều kiện để học sinh được khám phá mọi lĩnh vực, từ kỹ thuật, công nghệ đến chăm sóc, nghệ thuật một cách công bằng và không phân biệt giới. Hãy tôn trọng và ủng hộ, cổ vũ học sinh nữ mạnh dạn theo đuổi các lĩnh vực STEM hay ngành kỹ thuật khác.

“Xóa bỏ định kiến giới trong định hướng nghề nghiệp không chỉ giúp học sinh phát huy tối đa năng lực bản thân, mà còn góp phần xây dựng lực lượng lao động đa dạng, tài năng và một xã hội công bằng, tiến bộ hơn”, ông Đỗ Đức Lân nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh cần dựa trên năng lực, sở thích và đam mê cá nhân, không nên bị ràng buộc bởi giới tính.

Các quan niệm “nghề này chỉ dành cho nam” hay “nghề kia chỉ hợp với nữ” đã lỗi thời và không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Thậm chí, đây là những rào cản vô hình giới hạn tiềm năng phát triển của học sinh.

Theo báo cáo của UNESCO năm 2023, tỷ lệ nữ giới lựa chọn học và làm việc trong các ngành STEM còn thấp, chiếm dưới 30% trên toàn cầu. Tại Việt Nam, tỷ lệ này cao hơn một chút, khoảng 37% nhưng vẫn phản ánh sự chênh lệch rõ rệt về giới tính trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Thực tế này cho thấy, cần nỗ lực mạnh mẽ để khuyến khích và tạo điều kiện để nữ giới tham gia nhiều hơn vào những lĩnh vực đột phá này.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/lam-sao-thu-hut-nu-sinh-vao-nganh-stem-post732252.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/lam-sao-thu-hut-nu-sinh-vao-nganh-stem-post732252.html
Bài liên quan
Làm mới dạy học Ngữ văn với vận dụng STEM
STEM vốn gắn với các môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật, nhưng hoàn toàn có thể kết hợp vào Ngữ văn để phát triển năng lực toàn diện cho học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm sao thu hút nữ sinh vào ngành STEM?