Hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong các trường đã trở thành một phần quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ ở ĐBSCL.
Những năm qua, các đơn vị trực thuộc Trường Đại học Cần Thơ tổ chức nhiều hoạt động tri ân người có công, thương binh liệt sĩ. Tiêu biểu là hoạt động phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Anh Trần Trương Gia Bảo, Bí thư Đoàn khoa Khoa học chính trị chia sẻ, công tác giáo dục truyền thống, đền ơn đáp nghĩa cho đoàn viên thanh niên luôn được Ban Chấp hành Đoàn khoa Khoa học chính trị quan tâm thực hiện.
Từ tháng 10/2014, Ban nhận phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Đắc (ngụ tại phường Thới An Đông, Bình Thủy). Định kỳ hàng tháng, các chi đoàn trực thuộc luân phiên đến thăm, tặng quà, phụng dưỡng mẹ Đắc tại tư gia. Hoạt động này nhận được sự tham gia tích cực của đoàn viên thanh niên trong đơn vị. Các buổi thăm hỏi luôn diễn ra trong không khí ấm cúng. Các đoàn viên chăm sóc mẹ Đắc như con cháu chăm sóc người bà của chính mình.
“Mỗi lần đến thăm mẹ, đoàn gửi tặng những phần quà nhỏ chứa đựng tình cảm, sự biết ơn của tuổi trẻ đơn vị. Đồng thời, đoàn cũng ân cần thăm hỏi sức khỏe, đời sống và cùng nhau lắng nghe những câu chuyện bi tráng về tấm gương anh dũng của các thế hệ đi trước qua lời mẹ kể. Từ những câu chuyện đó, sinh viên hiểu và thêm biết ơn thế hệ cha anh đi trước đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc hôm nay”, anh Bảo chia sẻ.
Đoàn khoa Sư phạm nhiều năm qua cũng thường xuyên tổ chức hoạt động phụng dưỡng cho mẹ Lê Thị Bình và mẹ Lê Thị Tám (phường An Phú, Ninh Kiều). Hoạt động này thể hiện được tinh thần uống nước nhớ nguồn và tạo mối liên hệ mật thiết với địa phương trong thực hiện các hoạt động vì cộng đồng. Qua đó, nhà trường tăng cường giáo dục truyền thống đền ơn đáp nghĩa, hun đúc tình yêu quê hương đất nước cho sinh viên.
Các trường THPT trên địa bàn TP Cần Thơ cũng thường xuyên tổ chức hoạt động tri ân, giáo dục truyền thống cho học sinh. Tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng), vào các dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ, thầy trò thường xuyên viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ TP Cần Thơ. Trường tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động như: Dâng hương, dâng hoa, thắp nến tri ân…
Em Nguyễn Phạm Hạnh Nguyên, học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết, nhà trường tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động tri ân, uống nước nhớ nguồn và thầy cô tích hợp trong giờ dạy chính khóa, các môn Đạo đức, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân…
“Trường cũng định kỳ tổ chức cho chúng em dâng hương, quét dọn đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ; thăm, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Qua các hoạt động này, học sinh chúng em được nâng cao sự hiểu biết về truyền thống lịch sử, bồi đắp thêm lòng yêu nước, lòng biết ơn”, Hạnh Nguyên nói.
Tại tỉnh Trà Vinh, hoạt động dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ và thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã trở thành thông lệ của tuổi trẻ Trường Đại học Trà Vinh. Hàng năm, vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ, trường tổ chức dâng hoa, dâng hương và thắp nến tri ân bày tỏ lòng thành kính tại hơn 1.100 phần mộ các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Trà Vinh.
Ban giám hiệu nhà trường cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại địa phương và dâng hương Khu tưởng niệm nữ anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Út (Chị Út Tịch) tọa lạc tại ấp Ngọc Hồ (Tam Ngãi, Cầu Kè).
“Hoạt động này nhằm bày tỏ lòng tri ân, sự biết ơn của tuổi trẻ hôm nay đối với những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương chiến đấu anh dũng, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc”, chị Phạm Lê Phương Thảo, Bí thư Đoàn Trường Đại học Trà Vinh chia sẻ.
Tại Vĩnh Long, Trường Đại học Cửu Long thường xuyên tổ chức thăm hỏi phụng dưỡng hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, mẹ Đặng Thị Nhung (SN 1922, ngụ xã Song Phú, Tam Bình) có 8 người con (4 trai, 4 gái). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hai người con trai của mẹ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Mẹ Nguyễn Thị Ba (SN 1926, ngụ xã Phú Lộc, Tam Bình) có chồng và con trai đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhà trường thường xuyên tổ chức đoàn đến thăm hỏi, tặng quà và trao số tiền hỗ trợ mỗi mẹ 25,5 triệu đồng.
Trường Đại học Đồng Tháp là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện thăm hỏi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở huyện Tháp Mười. Đó là gia đình mẹ Nguyễn Thị Hòa (ở xã Phú Điền) và gia đình mẹ Huỳnh Thị Mót (ở ấp 3, xã Tân Kiều). “Qua hoạt động này, chúng tôi muốn gửi gắm tình cảm chân thành, động viên tinh thần gia đình các mẹ; mong mẹ luôn sống vui, sống khỏe, luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo”, Thạc sĩ Phạm Văn Hiệp, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Đồng Tháp chia sẻ.
Bên cạnh đó, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng có nhiều hoạt động trong việc phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” như: Thường xuyên tổ chức hoạt động Đội, Đoàn gắn với việc thăm các “địa chỉ đỏ”; kết hợp với các hoạt động dâng hương, vệ sinh môi trường dưới chân các đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ trên địa bàn…
Ông Nguyễn Văn Ngợi, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp) cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, trải nghiệm một cách an toàn, vui tươi và bổ ích, Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và hướng dẫn phòng GD&ĐT các huyện, thành phố phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động đa dạng ngay tại địa bàn, phù hợp theo bậc học, lứa tuổi.
Thông qua những hoạt động giáo dục “Đền ơn đáp nghĩa” đầy thiết thực, nhiều thế hệ học sinh, sinh viên của tỉnh thêm gắn bó và hiểu rõ lịch sử của quê hương, tự hào về truyền thống của dân tộc.
Hiện, TP Cần Thơ có hơn 38.400 gia đình chính sách. Hoạt động tổ chức Lễ tháp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay dự kiến thu hút hơn 1.000 đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia.