Mặc dù không nằm trong danh sách hạn chế xuất khẩu của Mỹ, nhưng đây là lĩnh vực có thể yêu cầu công nghệ phức tạp mà các công ty lo ngại một ngày nào đó có thể trở thành mục tiêu của các biện pháp hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ngày càng nhiều công ty thiết kế bán dẫn Trung Quốc đang tìm hướng hợp tác với các đối tác Malaysia để lắp ráp một phần chip cao cấp của họ, nhằm phòng ngừa rủi ro trong trường hợp Mỹ mở rộng lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.
Theo nguồn tin của Reuters, các công ty này đang yêu cầu phía Malaysia lắp ráp một loại chip xử lý đồ họa (GPU).
Nguồn tin cho biết các yêu cầu chỉ bao gồm việc lắp ráp - không trái với bất kỳ hạn chế nào của Mỹ - và không bao gồm việc chế tạo các tấm chip. Đến nay, các bên đã thống nhất được một số hợp đồng.
Unisem, công ty có cổ đông lớn nhất là Huatian Technology của Trung Quốc, cũng như nhiều doanh nghiệp đóng gói chip khác của Malaysia đã nhận thấy hoạt động kinh doanh và yêu cầu từ các khách hàng Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Chủ tịch Unisem John Chia từ chối bình luận về khách hàng của công ty nhưng cho biết: "Do lệnh trừng phạt thương mại và các vấn đề về chuỗi cung ứng, nhiều nhà thiết kế chip Trung Quốc đã đến Malaysia để thiết lập thêm nguồn cung cấp bên ngoài Trung Quốc nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của họ trong và ngoài lãnh thổ".
Bên cạnh đó, các công ty thiết kế chip Trung Quốc cũng coi Malaysia là một lựa chọn tốt vì quốc gia này được coi là có quan hệ song phương tốt, giá cả phải chăng, lực lượng lao động giàu kinh nghiệm và thiết bị tinh vi.
Khi được hỏi liệu việc nhận đơn đặt hàng lắp ráp GPU từ các công ty Trung Quốc có khả năng gây "mếch lòng" Mỹ hay không, Chia cho biết các giao dịch kinh doanh của Unisem là hoàn toàn hợp pháp và công ty không có gì để lo lắng.
Bộ Thương mại Mỹ không trả lời yêu cầu bình luận về điều này.
Các công ty đóng gói chip lớn khác trong nước bao gồm Malaysia Pacific Industries và Inari Amertron. Cả hai đều không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.