Lạng Sơn: Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển giáo dục

Thanh An | 15/04/2022, 15:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dù vẫn còn khó khăn nhất định về điều kiện, ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn đã có những nỗ lực lớn để bắt nhịp chuyển đổi số, tạo ra những cơ hội cho việc đổi mới, phát triển giáo dục địa phương.

Một giờ sinh hoạt chuyên môn Tiếng Anh tại trường THPT Đình Lập (Lạng Sơn)Một giờ sinh hoạt chuyên môn Tiếng Anh tại trường THPT Đình Lập (Lạng Sơn)

Trang bị nền tảng hạ tầng công nghệ

Để phục vụ cho công tác chuyển đổi số, ngành giáo dục Lạng Sơn đặc biệt chú trọng và nỗ lực trong việc trang bị nền tảng hạ tầng công nghệ.

Hiện tại, ngành giáo dục Lạng Sơn có gần 4.000 máy tính phục vụ quản lý điều hành, công tác chuyên môn; hơn 500 phòng máy tính với hơn 7.800 máy tính phục vụ việc học tập của học sinh; hơn 2.700 bộ thiết bị trình chiếu để dạy học trong nhà trường; hơn 300 bảng thông minh đã được trang bị.

Học sinh huyện miền núi Bắc Sơn (Lạng Sơn) được tặng máy tính bảng để phục vụ học tập

Toàn tỉnh có 651 trường học đã kết nối internet cáp quang tốc độ cao (96,4%), các đơn vị còn lại đều đã được kết nối internet bằng cáp đồng, công nghệ 3G, 4G.

Thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em”, toàn tỉnh Lạng Sơn đã huy động được 4,3 tỷ đồng (trong đó ngành GD&ĐT huy động được 2 tỷ đồng); Viettel Lạng Sơn ủng hộ 500 máy tính bảng và 500 Sim điện thoại; các doanh nghiệp viễn thông đã đóng góp kinh phí, lập kế hoạch hỗ trợ giảm giá các gói cước...

“Ngành đã hướng dẫn các đơn vị, nhà trường tăng cường sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường, khuyến khích áp dụng các giải pháp trao đổi thông tin miễn phí như tin nhắn OTT, email, ứng dụng trên thiết bị di động và website giáo dục”.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn

Sở GD&ĐT Lạng Sơn đã tập huấn sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu ngành cho cốt cán các đơn vị, chỉ đạo 100% đơn vị sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu ngành, cập nhật thông tin vào hệ thống, phục vụ cho công tác quản lý và chuyên môn.

Ứng dụng số trong quản lí và dạy học

Nhằm ứng dụng công nghệ phục vụ cho công tác quản lí, một trong những nội dung đã được Lạng Sơn triển khai đồng bộ và hiệu quả là việc sử dụng chữ ký số cho cán bộ, giáo viên.

Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở TT&TT đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cấp chữ ký số cho 100% cán bộ, giáo viên trong tỉnh. Đến thời điểm này, toàn ngành có hơn 17.800 chữ ký số được cấp cho cán bộ quản lý, giáo viên.

Đến nay, Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành chỉ tiêu 100% trường học ứng dụng công nghệ số, chữ ký số trong công tác quản lý dạy và học. Bước đầu, các nhà trường đang thực hiện ký số trên hồ sơ điện tử gồm sổ điểm, sổ học bạ, sổ đăng bộ.

Tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ (TP Lạng Sơn), từ đầu năm 2022 nhà trường triển khai việc sử dụng chữ ký số trên các văn bản, tài liệu điện tử. Không chỉ áp dụng với sổ đăng bộ, sổ điểm, học bạ, mà nhà trường còn số hóa nhiều sổ sách khác như giáo án, kế hoạch dạy học, sổ chủ nhiệm, kế hoạch của giáo viên, báo cáo, điểm nền nếp của học sinh, điểm danh…

“Qua sử dụng cho thấy, chữ ký số giúp cán bộ quản lý, giáo viên chủ động trong việc ký duyệt văn bản, tài liệu số. Công việc liên quan đến sổ sách điện tử đã được xử lý nhanh hơn so với thời điểm trước khi áp dụng” - thầy Đặng Tuấn Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Nhằm ứng dụng công nghệ thông tin nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả giáo dục, các trường học trên toàn tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức dạy và học trực tuyến đối với các cấp học Tiểu học, THCS, THPT, tổ chức mô hình giờ học kết nối trong các trường trung học.

Một giờ dạy học trực tuyến của trường TH&THCS Lê Quý Đôn (Thành phố Lạng Sơn)

Năm học 2021 - 2022, đến nay Lạng Sơn đã thực hiện 236.000 giờ học trực tuyến, hơn 1.000 giờ học kết nối. Giáo viên, học sinh tại các vùng miền khác nhau được kết nối, trao đổi, giao lưu học hỏi trên cơ sở nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện đáp ứng của các nhà trường.

Thầy Nguyễn Chiến Thắng, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Bắc (TP Lạng Sơn) cho biết: Nhà trường đã sớm lắp đặt hệ thống mạng Internet, trang bị tivi cho toàn bộ lớp học, tập huấn cho cán bộ, giáo viên và học sinh cách sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến.

“Em và các bạn đã quen với việc học theo hình thức trực tuyến và những giờ học kết nối. Các thầy cô giáo đã tận tình hướng dẫn cũng như chỉ bảo thêm cho chúng em, cho nên việc nắm và hiểu bài vẫn đảm bảo” - học sinh Hà Trang My (lớp 12A4, Trường THPT Việt Bắc, TP Lạng Sơn) bày tỏ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lạng Sơn: Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển giáo dục