Lãnh đạo trường học… kiệt sức

Vân Huyền | 25/03/2023, 10:11
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các hiệu trưởng tại Anh đang rơi vào tình thế khó khăn hơn bao giờ hết.

Thống kê cho thấy, cứ 10 giáo viên thì có 6 người thừa nhận đã cân nhắc chuyển việc trong năm qua vì mức độ căng thẳng ngày càng tăng.

Trọng trách gây suy sụp

Người phát ngôn của Bộ Giáo dục Anh cho biết, khoản đầu tư thêm của chính phủ cho các trường học vào năm tới sẽ là “mức chi tiêu thực tế cao nhất trong lịch sử”. Cụ thể, mức chi này trị giá 58,8 tỷ bảng Anh trong năm học 2024 - 2025.

Liên đoàn Hiệp hội Giáo viên Hiệu trưởng quốc gia (NAHT) cho biết, hơn bao giờ hết, ngày càng có nhiều lãnh đạo trường học cân nhắc rời bỏ vị trí này. Trong khi đó, ngày càng ít lãnh đạo cấp trung mong muốn đảm nhận công việc này.

Lý do là bởi, họ cho rằng, đây là một công việc vô cùng nặng nề. Thậm chí, hàng loạt giáo viên đã quyết định đình công. Các giáo viên tại Scotland đã đình công vào tháng trước. Thậm chí, họ dự định sẽ tiếp tục đình công trong nhiều tuần tới.

Ông Paul Whiteman - Tổng Thư ký NAHT - cho biết: “Sự tức giận và thậm chí tuyệt vọng mà chúng tôi đang nghe từ các thành viên của mình lúc này là chưa từng có trước đây. Các nhà lãnh đạo trường học nói với tôi rằng, họ không thể tiếp tục điều hành trong hoàn cảnh hiện tại”.

Vừa qua, tổ chức từ thiện Hỗ trợ Giáo dục đã công bố kết quả từ một cuộc khảo sát hằng năm về phúc lợi của nhân viên trường học ở Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland.

Kết quả cho thấy, căng thẳng ở những người đứng đầu trường học đã đạt đến mức độ nghiêm trọng. Cụ thể, có 87% lãnh đạo cấp cao tại các trường cho biết, họ gặp áp lực và có vấn đề về sức khỏe tâm thần do kết quả công việc. Trong khi đó, 58% thừa nhận đã tích cực tìm cách thay đổi hoặc rời bỏ công việc của mình trong năm qua.

Người đứng đầu một trường công lập ở Cumbria đã chia sẻ lá thư từ chức mà bà nộp gần đây cho hội đồng quản trị trường. Bức thư được mở đầu với câu: “Hai năm rưỡi qua là khoảng thời gian khó khăn nhất mà tôi từng biết. Trải nghiệm đó gần như khiến tôi suy sụp. Song, tới nay, tình hình vẫn không có dấu hiệu cải thiện”.

Nữ hiệu trưởng cho biết đã cảm thấy “kiệt sức vì những trận chiến liên tục” do hậu quả của 10 năm cắt giảm tài trợ cho trường học. Đồng thời, áp lực do “sự cắt giảm không ngừng” của các dịch vụ công cộng khác - công cụ vốn dĩ có thể giúp đỡ trẻ em và gia đình của chúng. Bức thư của nữ hiệu trưởng kết thúc với lời nhấn mạnh, bà không muốn tiếp tục gánh vác trọng trách này.

Trong khi đó, bà Catherine Barker - nữ hiệu trưởng tại một trường học ở Anh, đã phải tấp vào lề đường vì bị ốm khi đang lái xe đưa con trai đến trường đại học vào kỳ trước.

Áp lực điều hành một trường tiểu học trong tình trạng thiếu kinh phí triền miên khiến huyết áp của bà Barker thường xuyên tăng cao. Hầu như ngày nào bà cũng thức dậy với chứng đau nửa đầu.

Trường học của bà Barker ở Fenlands. Song, nữ hiệu trưởng cho biết, bà không thể tìm ra cách để chi trả hóa đơn tiền điện “khổng lồ”. Trước tình thế này, bà Barker đã tổ chức hội chợ bán hàng trên ô tô để mua sách dạy ngữ âm.

Tuy nhiên, bà không khỏi cảm thấy tội lỗi vì “đang quyên góp tiền từ những gia đình thực sự nghèo”. Tại trường tiểu học nơi bà Barker làm lãnh đạo, cửa sổ của một số lớp đã hỏng.

Trong khi đó, lẽ ra, lò hơi phải được thay thế từ hai năm trước. Thời gian qua, bà Barker đã phải tự đứng lớp để giảng dạy một số bài học. Nữ hiệu trưởng cho biết đang cố gắng tìm nhân viên có khả năng hỗ trợ giải quyết tình trạng này.

“Rất nhiều phụ huynh của chúng tôi đang gặp khó khăn. Họ hỏi tại sao nhà trường không hỗ trợ nhiều hơn bằng thực phẩm như chúng tôi đã làm trong đại dịch. Tuy nhiên, chúng tôi không thể.

Các suất thực phẩm mà nhà trường phân phát đang khiến chúng tôi tốn nhiều chi phí hơn. Tôi không biết liệu nhà trường có đủ khả năng để tiếp tục cung cấp bữa sáng miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay không”, bà Barker chia sẻ.

Bà Barker tự nhận thấy mình là một hiệu trưởng đầy nhiệt huyết. Kết quả từ một cuộc kiểm tra gần đây của Ofsted cũng cho thấy, ngôi trường nơi bà Barker đứng đầu được đánh giá là có chất lượng “tốt”.

Tuy nhiên, sau nhiều khó khăn, nữ hiệu trưởng quyết định từ chức vì không thể chịu được căng thẳng. Bà Barker xin làm giáo viên tại một ngôi trường gần nhà.

Mặc dù không còn gánh vác nhiều trách nhiệm, nhưng, Barker cho rằng, trường học mới nơi bà làm việc cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. “Tôi sẽ đến một ngôi trường có cùng các vấn đề xã hội và áp lực tài chính”, bà Barker cho biết.

Lực lượng “tuyến đầu”

Lãnh đạo trường học… kiệt sức ảnh 1

Ông Brian Walton - Hiệu trưởng Học viện Brookside ở Sometset.

Ông Brian Walton - Hiệu trưởng tại Học viện Brookside ở Street, Somerset - nhận định, điều hành một trường học nên là “công việc tốt nhất trên thế giới”. Tuy nhiên, ông dự định từ chức trong năm nay vì cho rằng “toàn bộ hệ thống đã sụp đổ”.

“Tôi đã làm hiệu trưởng trong 20 năm và chưa bao giờ trải qua điều gì như thế này”, ông Walton nói. Trường học nơi ông Walton đứng đầu đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân viên nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều khiến ông choáng ngợp nhất là việc giải quyết các vấn đề xã hội mà trường học hiện nay phải tự quản lý.

“Khi các dịch vụ được cho là giải quyết tội phạm, chăm sóc xã hội và sức khỏe tâm thần không hoạt động, thì chính trường học sẽ phải ở tuyến đầu. Các gia đình không biết tìm sự giúp đỡ ở đâu.

Mọi người đang đối phó với sự lo lắng và các vấn đề sức khỏe tâm thần. Các vấn đề về hành vi ở trường đang thực sự leo thang”, nam hiệu trưởng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, ông Walton cho biết, chưa bao giờ có nhiều gia đình dựa vào ngân hàng thực phẩm như hiện nay.

Trước bối cảnh này, Sinead McBrearty - Giám đốc điều hành của tổ chức Hỗ trợ giáo dục - cho biết: “Những người đứng đầu có nguy cơ bị đau tim và đột quỵ. Họ đang đặt câu hỏi về việc nên chọn giữa nghề nghiệp hay sức khỏe”.

Trước đó, tổ chức này đã khảo sát về tình trạng sức khỏe tâm thần của các nhà lãnh đạo trường học. Theo bà McBrearty, điều những người đứng đầu trường học cần làm là tập trung vào giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay, họ đang phải cố gắng trở thành nhân viên xã hội hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Ông Andrew Morrish - một cựu hiệu trưởng tại Anh, đã thành lập đường dây trợ giúp có tên Headrest dành cho các nhà lãnh đạo trường học đang gặp khó khăn trong đại dịch. Ông Morrish cho biết, những người đứng đầu trường học đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm sự tức giận từ phụ huynh.

Những sinh viên vô gia cư

Lãnh đạo trường học… kiệt sức ảnh 2

Người học tại Anh cũng gặp khó khăn về tài chính và chỗ ở.

Không chỉ các hiệu trưởng, sinh viên cũng là những người phải vật lộn với nhiều khó khăn. Amber - một sinh viên tâm lý năm thứ nhất, mong muốn được học ở Brighton vì thị trấn ven biển này nổi tiếng về chất lượng đời sống xã hội.

Tuy nhiên, vào thời điểm nữ sinh này nhập học, ký túc trường không còn chỗ trống. Trong khi đó, tài chính của cô không đủ để thuê phòng ở ngoài trường.

Vì vậy, nữ sinh này phải sống ở Eastbourne - nơi cách trường đại học hơn một giờ di chuyển. Amber bày tỏ lo ngại rằng, cô có thể phải bỏ học vào năm tới. “Tôi không đi chơi với bất kỳ người bạn cùng khóa nào vì họ sống rất xa. Mọi người nói rằng, năm đầu tiên đại học là thời gian vui vẻ để kết bạn. Tuy nhiên, tôi không thể làm điều đó”, nữ sinh chia sẻ.

Korush Casillas - một sinh viên chính trị năm thứ hai tại King’s College London, cũng rơi vào hoàn cảnh như Amber. Nam sinh này cho biết không đủ khả năng để chi trả cho một căn hộ chung cư ở London.

Đặc biệt, cuộc khủng hoảng nhà ở đang trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết đối với những sinh viên ở Glasgow. Tại đây, sự thay đổi về giá thuê nhà đã khiến nhiều người học “lao đao”. Khoảng 70 sinh viên tại Glasgow được cho là vẫn chưa có nhà ở, dù học kỳ đã bắt đầu nhiều tuần.

Trước tình trạng này, Krishen Chadwick Patel - một sinh viên năm thứ hai ngành quản lý kinh doanh, đã thành lập Nhóm hành động dành cho sinh viên vô gia cư. Từ đó, nhằm gây áp lực yêu cầu trường đại học giải quyết tình hình.

“Thực sự, thực sự, rất khó để có được một căn hộ. Tôi biết nhiều người vẫn chưa có căn hộ để ở. Vào đầu năm, chúng tôi đã đặt ra một thực tế là mình sẽ không làm bất kỳ công việc nào và tập trung vào việc này cho đến khi trường đại học làm được điều gì đó”, Patel cho biết.

Thông qua công việc của mình, Patel đã được một chủ nhà tiếp cận với lời đề nghị chia sẻ chỗ ở. Nam sinh này đang phải vật lộn để trả 650 bảng tiền thuê hằng tháng.

Song, anh tự cho mình là người may mắn so với những người phải chấp nhận ở trọ tại các thị trấn lân cận. Patel chia sẻ, đây không phải là kết thúc của cuộc đấu tranh.

“Năm nay đã hỗn loạn, năm tới sẽ còn tồi tệ hơn. Tôi yêu thành phố, tôi yêu những người tôi đã gặp. Tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời nhất. Tuy nhiên, nếu tôi biết mình sẽ trở thành người vô gia cư vào đầu năm thứ hai, thì tôi đã không đến đây. Đó không phải là một cơ hội”, Patel bày tỏ.

Theo The Guardian

Bài liên quan
Đột phá từ chính sách giải quyết vấn đề thiếu giáo viên
Để giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu giáo viên, một số địa phương phía Nam đã và đang triển khai những giải pháp mang tính đột phá.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãnh đạo trường học… kiệt sức