Xem thời sự để học Lịch sử
Lê Thị Thanh Phương Thảo, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lê Thánh Tông (TP Hội An, Quảng Nam), khóa tốt nghiệp năm 2016 đạt điểm 10 môn Lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh Đại học, cụm thi ĐH Đà Nẵng chủ trì. Phương Thảo chia sẻ: “Suốt cả năm lớp 10 và 11, em rất sợ môn Lịch sử; càng học thì em càng rối. Em cứ nhớ được sự kiện này thì quên sự kiện khác và rất lúng túng với việc sử dụng các dữ liệu”.
Môn Lịch sử sẽ còn là nỗi “ám ảnh” của Lê Thị Thanh Phương Thảo nếu năm lớp 12, Thảo không được học với thầy Lê Văn Tri – giáo viên dạy môn Lịch Sử. “Ngoài việc truyền cảm hứng giúp em yêu thích bộ môn, thầy còn hướng dẫn phương pháp học sao cho có hiệu quả. Thay vì trước đây em cứ bắt buộc mình trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 ngày là phải thuộc từng đó kiến thức, thầy hướng dẫn cho em cách chia nhỏ ra từng giai đoạn, và đừng chỉ chăm chăm học thuộc mà còn phải nắm bắt cho được nội dung của sự kiện. Với cách học như thế, môn Sử với em trở nên nhẹ nhàng hơn, không còn áp lực bởi những con số, dữ liệu khô khan”.
Khi cảm nhận được cô học trò nhỏ vốn có tư duy và cảm nhận tốt môn Lịch sử bắt đầu chớm yêu thích học bộ môn, thầy Tri tìm cách bồi đắp thêm để rồi môn Sử trở thành niềm đam mê với Phương Thảo. “Thầy giáo khuyến khích em thường xuyên nghe thời sự để cập nhật thông tin”.
Nghe lời khuyên của thầy, Thảo bắt đầu chú tâm xem chương trình thời sự. “Nhưng lúc đầu, em thấy rất nặng nề, có nhiều khái niệm mới mà em chưa biết. Rồi dần dần thì thấy thích vì nhận ra chương trình thời sự hàng ngày giúp mình rất nhiều thứ, biết nhiều dữ kiện để liên hệ với bài học, không chỉ môn Sử mà còn ở các môn học khác”.
Phương Thảo chia sẻ rằng em thường ghi nhớ những chi tiết thời sự trong nước và thế giới, có gì chưa hiểu thì lên mạng tra cứu thêm hoặc hỏi thêm thầy giáo. Với cách học như vậy, theo như Thảo, giúp em khắc sâu thêm kiến thức, biết rằng lịch sử vẫn gắn liền với dòng chảy của hiện tại để áp dụng trong những bài học lịch sử của mình.