Văn hóa

Linh vật của Việt Nam: Hình tượng con Nghê trong văn hoá Việt

Hà Thuỷ (T/h) {Ngày xuất bản}

(GDTĐ) - Hình tượng con Nghê là linh vật thuần Việt xuất hiện trong nhiều không gian sống của người Việt như cung điện, đình, chùa, lăng tẩm... có tác dụng trấn giữ, xua đuổi ma quỷ.

cap-ghe-da.jpg
Cặp nghê đá ở đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, Huế.

Con nghê - trấn giữ trừ tà

Nghê (còn gọi là toan nghê) là một động vật thần thoại trong văn hoá Việt Nam. Nghê là biến thể kết hợp từ lân (hay sư tử) và chó (có thể là Tạng Ngao hay Ngao Tạng), thường được dùng làm linh vật trấn giữ trước cổng đình chùa, đền, miếu ở Việt Nam.

Truyền thuyết kể rằng, Rồng sinh con nhưng đến con thứ 8 thì có hình dạng đặc biệt. Đầu nó không có sừng, chân như chân sư tử, đuôi dài, toàn bộ toát lên vẻ hùng mạnh, dữ dội, có sức mạnh chống được các loại tà ma ác quỷ. Con vật này gọi là Kim Nghê. Hình tượng ông Nghê phong thuỷ bắt đầu từ đó, được đúc thành tượng để chống tà ma. Nghê cũng thể hiện sự bề thế, đẳng cấp và địa vị của gia đình trong xã hội.

Con nghê của người Việt mang âm hưởng Ấn Độ, Phật giáo. Về hình dáng, con nghê của người Việt gần với con sư tử của người Thái, nhưng khác so với sư tử của người Trung Quốc. Sư tử Trung Quốc được tạo hình theo hướng mãnh thú, dã thú. Con nghê của người Việt thì có yếu tố linh thú, có sự linh thiêng.

Ở làng quê miền Bắc Việt Nam, trước cổng làng bao giờ cũng có một con Nghê đá lớn để bảo vệ cả làng; trước cổng đình có đặt nghê đá để canh giữ cho gia chủ.

Nghê không chỉ xuất hiện trong các làng quê Bắc Bộ mà còn hiện diện trong các kiến trúc cung đình ở Huế. Trước cửa Hiển Nhơn và trước Miếu Môn Thế Tổ Miếu trong Hoàng Thành Huế có hai đôi nghê đá đứng chầu với các chi tiết chạm trổ cầu kỳ, tạo thành các chòm lông xoắn ở đầu, mang tai và đuôi, xen kẽ các đao lửa ở 4 chân và sống lưng.

Nhiều bằng chứng cho thấy linh vật con Nghê đã được cung đình hoá, trở thành một biểu trưng đủ sức mạnh để sánh với tứ linh. Con nghê đội đèn có trong đồ đồng Đông Sơn muộn.

Ngai vàng thời Nguyễn đều có đôi nghê chầu dưới là biểu tượng giàu giá trị: tận trung, tận tâm, trung thành tuyệt đối, sáng suốt. Nó được đặt vào vị trí có thể soi xét, phân biệt tà ngay, được chào đón, hoan hỉ.

con-nghe-4.jpg
Hình ảnh về con nghê đá được sử dụng trong phong thuỷ.

Ý nghĩa con nghê trong phong thuỷ

Trong những linh vật phong thuỷ thì Nghê mang một ý nghĩa đặc biệt. Nếu Sư tử đại diện cho sức mạnh, Rồng hay Tỳ hưu để hút tài lộc thì Nghê là loài thú có nhiệm vụ canh gác và bảo vệ ngôi nhà.

Nghê phong thuỷ có tác dụng ngăn chặn, xua đuổi tà ma, hung khí quấy nhiễu nên thường được đặt ở trước cổng đình chùa. Bên cạnh đó, nó cũng có tác dụng hoá giải, trấn trạch khí xấu nên được đặt ở những nơi ngã ba, nhà có đường cong hoặc vật nhọn hướng đâm vào, giúp hạn chế những năng lượng xấu.

Nghê được đặt tại cổng làng, cổng đình chùa, ở vị trí trên cao nhìn xuống nên có khả năng đoán đọc và kiểm soát được tâm hồn, ý nghĩ của mỗi người đang ra vào chốn linh thiêng. Qua đó, Nghê sẽ biết được con người đó có tâm địa ra sao, có đứng đắn hay không và có xứng đáng để bước vào đền hay không.

Nghê đặt tại ngã ba đường, trước cửa nhà với mục đích hoá giải điềm xấu, sát khí, hung dữ có thể xảy ra cho chủ nhà. Tuy vậy, Nghê cần được thực hiện đúng phong thuỷ, không được quá lớn mà phải để kích thước vừa phải. Bên cạnh đó, cần đặt Nghê một đôi để đảm bảo cân bằng âm dương và phát huy cao nhất công năng.

Nghê đặt tại các lăng mộ dòng họ, người có quyền thế, chức vụ là để canh gác cho giấc ngủ của người dưới mộ, giữ cho họ có sự ra đi thanh thản, bình yên.

Tượng Nghê được làm bằng các chất liệu khác nhau sẽ có công năng khác nhau.

Nghê phong thuỷ chế tác từ chất liệu đá thường có kích thước to lớn, trọng lượng cao nên khó di chuyển. Nghê đá sẽ được đặt cố định tại một vị trí như ở cổng chùa, đình, nơi thờ cúng thiêng liêng.

Nghê phong thuỷ chế tác từ chất liệu đồng dùng để trấn trạch, xua đuổi tà ma, hung khí thường đặt ở những nơi ngã ba, nhà có đường cong hay góc nhọn đâm vào. Nghê đồng cũng khó di chuyển nên thường đặt cố định ở một vị trí.

Nghê phong thuỷ bằng chất liệu sứ thường rất đẹp, nhiều hình dáng, kích thước kèm những ý nghĩa khác nhau. Nghê thường được phủ ngoài một lớp men rạn cổ hoặc men màu. Vì có màu sắc đẹp, hình dáng tinh tế bắt mắt nhẹ nhàng nên Nghê được bài trí ở rất nhiều vị trí.

Thường sẽ đặt những đôi nghê lớn có thể đặt ở trước cửa nhà. Nếu là các cặp nghê nhỏ có thể bày trong các điện thờ, lăng tẩm, lăng mộ hoặc đền chùa… Chất liệu sứ không chỉ đảm bảo ý nghĩa Nghê phong thủy mà còn tạo sự thân thiện gần gũi với gia chủ và những người xung quanh.

Với ý nghĩa đó, Nghê phong thuỷ rất được yêu thích và đặt trong các chùa chiền, chốn linh thiêng, thành kính. Nghê thậm chí còn mang lại sự an tâm cho mỗi người nếu từ đường, nhà thờ hoặc lăng mộ người thân mình có đặt một cặp nghê.

(Còn tiếp)

Bài liên quan
Lộ diện linh vật dài hơn 100m uốn lượn trên đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của con giáp Thìn sau vòng chu kỳ 12 năm với hình ảnh cặp rồng dài hơn 100m vô cùng ấn tượng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Linh vật của Việt Nam: Hình tượng con Nghê trong văn hoá Việt