Lời khuyên của tiến sĩ tâm lý khi con yêu sớm

Hoàng Thanh | 18/02/2023, 06:43
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Có lần, TS Đào Thị Diệu Linh nằm giữa 2 cậu con trai để nói về tình dục và tình dục sớm, bảo các con nếu băn khoăn gì thì có thể hỏi bố hoặc mẹ.

Con yêu sớm, thậm chí yêu bạn khác giới từ khi học tiểu học, THCS là câu chuyện khiến không ít bố mẹ đau đầu. Vậy gặp tình huống đó, bố mẹ nên xử lý thế nào để con đi đúng hướng mà vẫn cảm thấy được tôn trọng và yêu thương?

PV VietNamNet đã có cuộc trò chuyện cùng TS Đào Thị Diệu Linh, Trưởng Bộ môn Tâm lý - Giáo dục (Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội), về câu chuyện này.

"Làm căng và cấm đoán có thể đẩy con xa khỏi chúng ta"

Là một nhà giáo dục, một chuyên gia tâm lý, theo chị, bố mẹ nên làm gì khi phát hiện con yêu ở tuổi còn quá nhỏ? 

- Trước hết, tôi đồng cảm với các bậc cha mẹ trong tình huống này. Chắc hẳn chúng ta sẽ bối rối khi thấy con yêu ai đó, nhất là yêu sớm, có thể từ cấp 2 và có khi là từ tiểu học. 

TS Đào Thị Diệu Linh, Trưởng Bộ môn Tâm lý - Giáo dục (Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội)

Tôi cũng là một người mẹ, và con mình ở cấp 2 cũng thích một bạn nữ. Lúc đầu thì coi như không biết gì luôn, tôi vẫn nói chuyện với con bình thường. Cá nhân tôi hay chủ động chia sẻ câu chuyện của mình và chủ động hỏi han con, về cả các bạn của con, cứ trò chuyện bâng quơ, bình thường để con thấy một điều rất tự nhiên là mình vẫn yêu thương con và không cấm đoán. 

Chẳng hạn, tôi hay rủ cháu lớn đi tập thể dục, hai mẹ con hay đi bộ quanh hồ, và lúc đó thì chúng tôi có thể nói nhiều chuyện, từ việc học, việc thầy cô, đến việc yêu… Cũng đã có lần, tôi nằm giữa 2 cậu con trai để nói về tình dục và tình dục sớm. Tôi cũng có nói nếu các con băn khoăn gì thì có thể hỏi bố hoặc hỏi mẹ, bố mẹ đi dạy các anh chị sinh viên nên con cứ thẳng thắn, đừng ngại - cứ nửa đùa, nửa thật như thế.

Các bố mẹ cũng lưu ý là, nhiều khi tình cảm của con cũng chỉ là nhất thời, một thời gian sau lại qua đi, hai bạn lại không thích nhau nữa hoặc một bạn lại thích một bạn khác. 

Đây cũng là diễn biến tâm lý tự nhiên và hết sức bình thường, bởi đây là lứa tuổi trẻ có nhiều khó khăn, có nhiều thay đổi cả về cơ thể và cảm xúc. Nhiều hành động bốc đồng, thiếu kiểm soát là do sự thay đổi các hormone trong cơ thể của thời kỳ dậy thì, chứ không phải bản tính của trẻ như vậy. 

Cha mẹ cần hiểu để đồng hành, chia sẻ với con những lúc này, và còn có thể có lời khuyên nếu con cần.

Sự cấm đoán như thường thấy ở nhiều phụ huynh khi biết con có bạn khác giới, theo chị, sẽ tác động như thế nào tới trẻ?

- Tôi đã từng thấy có bố mẹ cấm con ngay lập tức, thậm chí bắt con lựa chọn giữa việc yêu và việc học, nếu không thì sẽ chuyển trường… Việc làm căng lên và cấm đoán con như vậy có thể đẩy xa con khỏi chúng ta, vô hình chung cha mẹ đã phủ nhận tình cảm và sự phát triển tự nhiên của con. 

Đúng là ở lứa tuổi học sinh, việc học để lập thân, lập nghiệp là ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta phản ứng với trẻ theo hướng thô bạo như mắng nhiếc, cấm đoán, bạo lực. 

Bố mẹ cần bình tĩnh khi biết con mình yêu hay thích một bạn nào đó. Mình cần hiểu việc nảy sinh tình cảm với một bạn khác là điều bình thường, yêu và được yêu cũng là nhu cầu của con người. 

Vậy hãy coi tình cảm của con là một điều tự nhiên để tôn trọng tình cảm đầu đời đó. Sau đó, hãy gần gũi, chia sẻ, hỏi han con nhiều hơn, hỏi về bạn của con, dành sự tôn trọng cho bạn ấy, để con cũng thấy bố mẹ tôn trọng và nghiêm túc trong việc này. 

TS Đào Thị Diệu Linh (áo tím ở giữa) cùng các sinh viên của mình

Việc cha mẹ luôn gần gũi, chia sẻ với con là yếu tố rất quan trọng để giúp con có một điểm tựa, có thể sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc khi cần. 

Cha mẹ cũng cần động viên con cùng học, hỏi về kế hoạch của cả 2 bạn thế nào, coi các con như những “đôi bạn cùng tiến”… Đồng thời cũng đừng quên chia sẻ về những hậu quả của việc quan hệ tình dục sớm, nói cho con biết những nguy cơ có thể xảy ra để con biết bảo vệ mình, tránh những tình huống ngoài ý muốn. 

Nguyên tắc T-N-T

Theo chị, học sinh có nên yêu ở độ tuổi cấp 2 không?

- Tình yêu tuổi học trò là tình cảm đầu đời, minh chứng cho sự phát triển tự nhiên của con người nên rất đẹp đẽ và trong sáng. Tuy nhiên, nếu nói có nên yêu từ cấp 2 không, tôi sẽ không trả lời là có hay không.

Chúng ta không khuyến khích trẻ yêu sớm, bởi thực tế thêm một việc nào đó mà không biết cách cân bằng thì sẽ ảnh hưởng đến việc chính là việc học. Nhưng cũng không thể cấm hoặc nói với trẻ là không nên yêu, mà cứ để mọi việc đến tự nhiên. Tình yêu đến hãy đón nhận, bởi cho dù muốn phủ nhận là mình thích hay yêu bạn nào đó cũng không được. 

Chỉ có điều, khi tình cảm đầu đời ấy đến, thường trẻ chưa đủ sự chín chắn để có thể biết cách cân bằng, xử lý tình huống… Khi đó, cha mẹ hãy là những người bạn lớn, đồng hành, thấu cảm và hỗ trợ con khi cần. 

Cha mẹ cần cho con thấy dù bất kì có chuyện gì xảy ra, dù tồi tệ đến mấy, cha mẹ vẫn luôn ở đây, tin tưởng vào con.

Cha mẹ có thể nhớ 3 nguyên tắc hàng đầu là T-N-T - Tin tưởng, nhất quán và tôn trọng - để đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn có nhiều “biến động” về cảm xúc này, và cả những chặng đường tiếp theo trong tương lai.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Bài liên quan
'Anti-gay' và loạt từ mới về giới tính được thêm vào từ điển năm 2022
Từ điển tiếng Anh Oxford và trang Dictionary.com đã thêm các từ mới liên quan bản dạng giới và cộng đồng LGBTQ+, kể cả từ lóng được dùng ở Australia và Philippines.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lời khuyên của tiến sĩ tâm lý khi con yêu sớm