Chỉ thị 40/CT-TW đề ra nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo, đến năm 2008, Quốc hội dự kiến đưa Luật Nhà giáo vào chương trình dự án luật năm 2009 và giao Bộ GD&ĐT chủ trì tham mưu cho Chính phủ. Nhưng thời điểm đó, Quốc hội chuẩn bị thông qua Luật Viên chức, nên Luật Nhà giáo bị hoãn.
Đến những năm 2016, Luật Nhà giáo một lần nữa được đặt ra và Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 2760/QĐ-BGDĐT ngày 11/8/2016 về việc phân công lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo và Luật Giáo dục (sửa đổi). Kế hoạch Lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo đã được Bộ xây dựng rất cụ thể, theo 6 bước. Thời gian thực hiện từ tháng 8/2016 - 31/12/2016.
Giao cho Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan thuộc Bộ tiến hành nhiều phần việc. Tuy nhiên, giai đoạn này trọng tâm là xây dựng và trình Quốc hội Luật Giáo dục sửa đổi, nên Luật Nhà giáo một lần nữa bị hoãn.
Từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước về Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng Luật Nhà giáo. Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã triển khai nghiên cứu đề tài trên với các nội dung chính: Thực trạng đội ngũ nhà giáo và việc thực hiện pháp luật với chế độ chính sách nhà giáo, kinh nghiệm quốc tế về quản lý nhà giáo bằng pháp luật, khung chính sách đối với nhà giáo (gồm: Vị trí, vai trò, vị thế đội ngũ nhà giáo; Quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ nhà giáo;
Vấn đề tuyển sinh, đào tạo để trở thành nhà giáo; Bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, sàng lọc đội ngũ nhà giáo; Vấn đề lương và các điều kiện làm việc của nhà giáo; Vấn đề tôn vinh, khen thưởng nhà giáo; Vấn đề hội nhập quốc tế đối với công tác phát triển đội ngũ; Quản lý Nhà nước về nhà giáo).
Đến nay, Bộ GD&ĐT đã có dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó đề xuất một số chính sách liên quan đến nhà giáo. Dự thảo Tờ trình nhấn mạnh, việc xây dựng luật này nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.
Đồng thời, tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và đóng góp tốt hơn cho ngành Giáo dục, đất nước. Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm định hướng chính trị đúng đắn đối với công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo. Nâng cao nhận thức xã hội, trách nhiệm của các cơ quan xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo.
Tờ trình ghi rõ: “Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ cơ bản về nhà giáo với giá trị pháp lý cao, tương đối ổn định, phù hợp phát triển giáo dục. Qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục nói riêng, hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền nói chung”.
Ảnh minh họa/ INT |
Để Quốc hội đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật, lấy ý kiến góp ý, chỉnh sửa, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua là một quá trình lâu dài. Quá trình này đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực không chỉ của những người làm giáo dục, mà là toàn xã hội, của mỗi đại biểu Quốc hội, nhất là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Luật Nhà giáo nếu được xây dựng và ban hành sẽ bao trùm lên cả hệ thống giáo dục và đào tạo, bao gồm nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và cơ sở giáo dục khác để bảo đảm tính nhất quán của hệ thống chính sách, luật pháp liên quan. Đó không chỉ là đội ngũ thầy cô giáo, mà còn là cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Ngoài ra, những GV người nước ngoài theo các chương trình hợp tác cũng cần được quy định đầy đủ trong luật.
Luật Nhà giáo ra đời sẽ góp phần đáng kể nâng cao chất lượng giáo dục, vì luật đưa ra các tiêu chuẩn đối với đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo rằng các GV được trang bị đầy đủ đạo đức, kiến thức, kỹ năng, năng lực để giảng dạy và giáo dục hiệu quả. Luật đảm bảo cho GV có môi trường làm việc an toàn, thuận lợi, trong thời đại công nghiệp 4.0, giúp cho nhà giáo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhân cách, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; xây dựng nền giáo dục tiên tiến và hội nhập quốc tế.
Để luật không bị lỗi thời, không quá chi tiết, cứng nhắc khó xoay xở khi thực tế luôn có những thay đổi, cơ quan soạn thảo dự thảo luật cần cân nhắc xem điều luật nào quy định cứng (thực tế chứng minh ít thay đổi), điều luật nào quy định khung và sẽ được hướng dẫn bằng các văn bản quy phạm dưới luật để bảo đảm tính linh hoạt khi điều kiện cuộc sống có thay đổi mà chưa lường hết được. Cần tham khảo thực tiễn của các quốc gia trên thế giới ứng xử như thế nào với những vấn đề tương tự mà ngành Giáo dục Việt Nam đang vướng mắc để có cách tiếp cận sáng tạo, hợp quy luật thực tiễn và hiện đại.
Luật Viên chức, Công chức chưa phù hợp đặc thù nghề giáo
Hiện nay, lao động của nhà giáo được điều chỉnh bằng Luật Công chức, Viên chức. Tuy nhiên, những luật này chỉ đề cập đến công chức, viên chức nói chung, chưa giải quyết được tính đặc thù nghề nghiệp nhà giáo. Ở Luật Giáo dục, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đều có các chương quy định về nhà giáo, song vẫn còn chung chung, mang tính nguyên tắc. Nhiều quy định chưa đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng về đội ngũ nhà giáo, thu nhập nhà giáo vẫn thấp, có tình trạng mất công bằng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập...