Xây dựng Luật Nhà giáo giúp tháo gỡ nhiều bất cập

Minh Phong | 12/01/2023, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bộ GD&ĐT đã có dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó đề xuất nhiều chính sách đối với đội ngũ.

Khẳng định vị trí

Theo bà Dương Minh Ánh - đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội, chúng ta đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; trong đó có nhiều môn học mới nhưng chưa được bố trí đội ngũ giáo viên. Đồng thời, số lượng nhà giáo bị thiếu hụt do nghỉ việc, chuyển việc sau đại dịch Covid-19 đã làm tăng áp lực đối với nhiều địa phương, trong đó đặc biệt là giáo viên mầm non.

Ngoài ra, do áp lực công việc ngày càng lớn, yêu cầu về tiêu chuẩn của nhà giáo càng cao nhưng chính sách tiền lương lại chưa tương xứng với công sức mà họ bỏ ra, dẫn đến tình trạng “chảy máu” chất xám, không giữ chân được người tài giỏi trong lĩnh vực giáo dục. Sinh viên được đào tạo bài bản nhưng ra trường không mặn mà với nghề giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non. Điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn cho tương lai. Từ những vấn đề nêu trên, bà Dương Minh Ánh đề nghị Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu sớm đưa Luật Nhà giáo vào xem xét tại các kỳ họp tới và thực hiện đúng chủ trương Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương.

Tán thành với việc cần xây dựng Luật Nhà giáo để tháo gỡ những khó khăn, bất cập đối với đội ngũ, GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, khi có luật thì cả xã hội phải tuân theo, từng người dân sẽ có trách nhiệm thực hiện và chăm lo cho đội ngũ nhà giáo.

Có Luật Nhà giáo, mỗi thầy cô sẽ tự soi mình để rèn giũa, nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp. Trên hết, nhà giáo sẽ được xã hội tôn vinh xứng đáng. Ngoài ra, chúng ta cần xây dựng hệ thống quản trị nhà trường thật quy lát để phát huy tính tự chủ của từng cơ sở giáo dục. Xây dựng Luật Nhà giáo cũng góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống quản trị nhà trường.

Theo dự thảo Tờ trình của Bộ GD&ĐT gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ đề xuất một số chính sách liên quan đến nhà giáo, gồm: Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; Phát triển nghề nghiệp nhà giáo; Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo; quản lý Nhà nước về nhà giáo.

Khẳng định, xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết, dự thảo Tờ trình nhấn mạnh, việc xây dựng luật này nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo. Đồng thời, tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và đóng góp tốt hơn cho ngành Giáo dục, đất nước. Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm định hướng chính trị đúng đắn đối với công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo. Nâng cao nhận thức xã hội, trách nhiệm của các cơ quan xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ cơ bản về nhà giáo với giá trị pháp lý cao, tương đối ổn định, phù hợp phát triển giáo dục. Qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục nói riêng, hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền nói chung. (Trích dự thảo Tờ trình của Bộ GD&ĐT gửi Chính phủ).

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/xay-dung-luat-nha-giao-giup-thao-go-nhieu-bat-cap-post622492.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/xay-dung-luat-nha-giao-giup-thao-go-nhieu-bat-cap-post622492.html
Bài liên quan
Cấp thiết ban hành Luật Nhà giáo
Nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, NGƯT Tô Ngọc Sơn (Trường ĐH Champasak, Lào) khẳng định sự cấp thiết ban hành Luật Nhà giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng Luật Nhà giáo giúp tháo gỡ nhiều bất cập