Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho rằng, dự án Luật Nhà giáo đang được Bộ GD&ĐT xây dựng sẽ giúp giải bài toán “sống được bằng lương” của giáo viên.
Theo ông Ngai, thu nhập của thầy cô những năm qua dù được cải thiện nhưng vẫn chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, vật giá thị trường. Do đó, để giải quyết tận gốc vấn đề này, cần một chính sách đột phá, mạnh mẽ và căn cơ. Dự án Luật Nhà giáo sẽ là chìa khóa để mở ra cánh cửa đó.
Theo ông Ngai, dự án Luật Nhà giáo cần đánh giá lại toàn diện bản chất lao động của giáo viên để xã hội nhìn nhận rõ vấn đề này. Bởi từ trước đến nay, nhiều người vẫn quan niệm nghề giáo “nhàn”: Được nghỉ hè; Dạy học theo buổi, tiết trong ngày; Giáo án soạn một lần, dùng nhiều năm…
Trong khi đó, theo ông Ngai, lao động của giáo viên là loại lao động đặc thù, cực nhọc. Nó không chỉ diễn ra trên bục giảng, trường lớp mà còn ở ngoài xã hội. Muốn có bài giảng hay trên lớp, giáo viên phải soạn bài, cập nhật kiến thức, bổ sung giáo án liên tục. Ngoài việc dạy, thầy cô còn phải chấm bài, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, các hoạt động của nhà trường….
Giáo viên Trường Tiểu học Bông Sao, quận 8, TPHCM được tăng cường hỗ trợ trẻ trong bữa ăn bán trú. Ảnh: Mạnh Tùng |
Chưa kể, ngoài giờ dạy học, giáo viên phải quan tâm, quản lý từng học sinh và phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để giáo dục các em. Với địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, giáo viên chủ nhiệm phải đến từng nhà động viên, khuyến khích các em đến trường.
“Đó đều là những công việc không tên mà nhiều người ngoài ngành sẽ không hiểu nếu chúng ta không làm rõ. Làm rõ thì mới có cơ sở để chúng ta thuyết phục về tạo cơ chế đặc thù tiền lương cho thầy cô”, ông Ngai nói.
Theo ông Ngai, khi đã khẳng định được lao động của nghề giáo là lao động đặc thù, cơ chế, chính sách tiền lương, đãi ngộ cũng theo hướng đặc thù. Trên cơ sở đánh giá công sức, thời gian của giáo viên, ngành giáo dục sẽ tính toán các mức lương, phụ cấp, đãi ngộ phù hợp.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, các địa phương nên có thêm chính sách trả lương "mềm" cho giáo viên, tức là những khoản đãi ngộ, phúc lợi ngoài tiền lương như chăm sóc sức khỏe, cho vay ưu đãi để giáo viên trẻ mua nhà...