Lưu ý ôn tập thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn từ đề tham khảo

24/03/2024, 07:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đề tham khảo Ngữ văn cấu trúc quen thuộc, không khó, nhưng để đạt điểm cao, HS cần vững kỹ năng đọc hiểu, viết; sáng tạo, thể hiện quan điểm cá nhân.

Về thời gian làm bài: Thời lượng 120 phút là hoàn toàn phù hợp với cấu trúc của đề, học sinh đủ thời gian hoàn thành tốt yêu cầu đặt ra.

Về cấu trúc, phân chia điểm số: Rõ ràng, phù hợp cả 4 yêu cầu (nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao); đánh giá được kỹ năng đọc và viết của học sinh đối với môn Ngữ văn.

Về nội dung của từng phần, phần Đọc hiểu (3 điểm) đưa văn bản thơ “Những đám mây cuối trời” - Đoàn Văn Mật, với 4 yêu cầu tương đương 4 câu hỏi tự luận. Trong đó có đến 1 câu nhận biết, 1 câu thông hiểu giúp học sinh dễ có điểm; 1 câu vận dụng thấp rất quen thuộc với học sinh từ chương trình THCS đến THPT. Các em học lực trung bình sẽ gặp chút khó khăn nhỏ ở câu 3 khi đề yêu cầu: Nêu nội dung của những dòng thơ: “Đã có lúc ... tận lưng trời”.

Phần Viết (7 điểm) chia thành 2 câu. 1 câu viết đoạn văn 200 chữ, được 2 điểm; 1 câu viết bài văn phân tích đoạn văn được 5 điểm.

Câu 1: Nghị luận xã hội viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của thái độ sống tích cực trước thử thách. Nội dung câu hỏi gần gũi, thiết thực với học sinh. Các em không gặp khó khăn khi triển khai đoạn văn nghị luận xã hội. Dạng đề này, giáo viên THPT rèn kỹ lưỡng qua các tiết Làm văn trong chương trình học.

Câu 2: Nghị luận văn học, yêu cầu viết bài văn phân tích vẻ đẹp của sông Hương trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, đoạn miêu tả vẻ đẹp của dòng sông gắn liền với nền âm nhạc cổ điển; đoạn khắc họa sông Hương trước khi rời khỏi thành phố. Từ đó nhận xét về tình cảm của nhà văn đối với sông Hương.

Đây cũng là mô típ đề quen thuộc với học sinh, không làm khó được các em. Song muốn được điểm cao ở câu này, học sinh cần thể hiện rõ khả năng của bản thân: Nắm vững những đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật của nhà văn, hiểu rõ giá trị của từng đoạn; nắm chắc thao tác, kỹ năng viết dạng đề nghị luận văn học; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các bước làm bài, diễn đạt rõ ràng, thể hiện quan điểm, cảm nhận của cá nhân... khi phân tích và thực hiện tiêu chí phụ của đề.

“Qua việc phân tích đề tham khảo môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, chúng tôi thấy đề bám sát chương trình học sinh đã được học. Các em không gặp nhiều khó khăn khi trả lời câu hỏi; điểm 6,75 đến 7,25 nhiều thí sinh dễ dàng đạt được.

Song, nếu học sinh muốn đạt điểm từ 7,5 trở lên thì cả giáo viên và học sinh đều cần có những định hướng về việc vận dụng kỹ năng, thao tác phân tích linh hoạt, sáng tạo và những kiến thức về lý luận văn học phù hợp khi làm bài”, cô Nguyễn Thị Hương Giang nhận định.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/luu-y-on-tap-thi-tot-nghiep-thpt-mon-ngu-van-tu-de-tham-khao-post676483.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/luu-y-on-tap-thi-tot-nghiep-thpt-mon-ngu-van-tu-de-tham-khao-post676483.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lưu ý ôn tập thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn từ đề tham khảo