Lý do nên và không nên lùi giờ vào học

Quang Trường | 22/10/2022, 15:49
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo đại diện một số trường, vào học lúc 7h là quá sớm. Việc lùi giờ vào học sẽ giúp học sinh được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ hơn.

Vào lớp từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ là hợp lý

Cô Lê Thị Tuyết Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nhiều năm nay, học sinh của nhà trường đều bắt đầu tiết học lúc 7 giờ 45 phút. Trước đó 15 phút, các em đã phải có mặt để ổn định lớp học.

Buổi sáng, học sinh được ra chơi 20 phút. 10 giờ 45 phút, các em học xong tiết 4 rồi nghỉ ngơi, ăn trưa và đi ngủ đến 13 giờ 20 phút. Giờ học buổi chiều của các em bắt đầu từ 14 giờ đến 17 giờ. Buổi chiều, học sinh cũng có 15 phút ổn định lớp trước khi vào tiết học.

Theo cô Lan, lịch học đó đã được nhà trường triển khai nhiều năm nay. Tất cả phụ huynh đều ủng hộ vì giờ đi học và tan học của các con phù hợp với lịch trình của họ. Quan trọng hơn, học sinh có thể ngủ đủ giấc, có thời gian ăn sáng.

Các trường lý giải vì sao nên và không nên lùi giờ vào học - 1
Lùi giờ vào lớp sẽ giúp phụ huynh và học sinh đỡ phải vội vàng mỗi buổi sáng (Ảnh: Mạnh Quân).

Cô Lan cho rằng, học sinh phải vào lớp lúc 7 giờ hoặc 7 giờ 15 phút là quá sớm. Các em sẽ phải thức dậy vào lúc 6 giờ và nếu ra khỏi nhà lúc 6 giờ 30 giờ, thậm chí sớm hơn thì rất vội vàng vì còn phải vệ sinh cá nhân, ăn sáng, đi đường.

"Nếu có thể, các trường nên lùi thời gian vào lớp. Đa số phụ huynh làm việc lúc 8 giờ mà con vào lớp trước đó gần một tiếng thì rất bất tiện cho họ. Ở khu vực Nam Từ Liêm, có trường còn cho học sinh vào lớp lúc 8 giờ. Tôi thấy thời gian đó là hợp lý.

Các bố mẹ thường đi làm về lúc 18 giờ, ăn uống xong đến 19 giờ 30 phút, con nghỉ ngơi sau đó ngồi vào bàn học, sớm nhất là 22 giờ mới được đi ngủ. Hiện nay, nhiều bạn còn có thói quen ngủ muộn hơn. Nếu buổi học bắt đầu từ 7 giờ thì các em phải dậy trước đó ít nhất là một tiếng rưỡi mới đủ thời gian chuẩn bị. Như vậy, các con được ngủ ít quá, sẽ buồn ngủ khi đến lớp", cô Lan nói.

Cô Lan nói thêm, trường có khoảng 10 học sinh thường được bố mẹ đưa đến trường từ rất sớm. "Họ phải đi làm từ sớm nên cũng thông cảm cho họ chứ không ai muốn con mình vậy cả", cô Lan cho biết.

Nhà trường tạo điều kiện cho những học sinh đó được vào trường sớm, nhờ bác bảo vệ trông nom. Cô Lan cũng đến trường từ 6 giờ 45 phút để kiểm tra vệ sinh trường lớp, ngồi chơi với các em.

"Có khi 18 giờ 30 phút tôi ở trường về mà vẫn có học sinh còn ở lại trường chơi với bác bảo vệ vì bố mẹ chưa kịp đón", cô Lan nói.

Các trường lý giải vì sao nên và không nên lùi giờ vào học - 2
Học sinh luôn phải đến lớp trước tiết học đầu tiên 15 phút để truy bài, chuẩn bị tâm lý (Ảnh: Mạnh Quân).

Đồng ý với quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Lan - Hiệu trưởng Trường THCS Đông Dư (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng cho rằng, học sinh nên được vào học từ 7 giờ 30 phút. Trước giờ học, các em còn phải xem lại bài vở, ổn định chỗ ngồi trong 15 phút.

Ở Trường THCS Đông Dư, học sinh vào lớp lúc 7 giờ 30 phút. Những ngày có 4 tiết, các em tan học lúc 11 giờ, 5 tiết thì 11 giờ 45 phút các em được nghỉ.

Theo cô Lan, vào học lúc 7 giờ hay 7 giờ 15 phút là sớm. Nhà trường cho học sinh vào học muộn hơn khung giờ đó nhưng thỉnh thoảng còn có em đi học muộn với lý do là ngủ quên. Đa số học sinh tự đạp xe đi học chứ bố mẹ không đưa đón. Nhiều phụ huynh phải đi làm sớm, không gọi con dậy được.

Lùi giờ học sẽ giúp các em có thêm thời gian chăm sóc bản thân vào buổi sáng, tránh tình trạng đi học muộn hay bỏ bữa sáng.

Để giảm tải áp lực cho học sinh lớp 6 và 7, nhà trường hạn chế giao thêm bài tập cho các em. Buổi tối, các em chỉ cần hoàn thành nốt những bài tập mà trên lớp chưa giải quyết hết. Như vậy, học sinh sẽ được nghỉ ngơi sớm hơn.

Đối với học sinh lớp 8 và 9, khối lượng bài và thời gian tự học của các em nhiều hơn. Tuy nhiên, các em chỉ phải học 3 buổi chiều/tuần nên vẫn đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, rèn luyện sức khỏe theo hướng dẫn của nhà trường.

"Có một số em đi học rất sớm, nhất là vào buổi trưa. Chúng tôi quán triệt là học sinh phải ở nhà nghỉ ngơi, 13 giờ 30 phút mới được đến trường, phụ huynh phải quản lý con sau bữa trưa", cô Lan nói.

Tại Trường THCS An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội), học sinh vào tiết một lúc 7 giờ 30 phút. Theo cô Nguyễn Thị Huyền - Hiệu trưởng nhà trường, giờ học này là hợp lý. Nhiều năm nay, không có phụ huynh nào thắc mắc về giờ học của các con.

Cô Huyền cũng cho rằng, một số trường nên lùi giờ vào lớp, đặc biệt là vào mùa đông. Nếu học sinh phải đi học quá sớm, các con sẽ vội vàng, không có thời gian ăn uống, ảnh hưởng đến sức khỏe.

"Các con luôn phải ngồi vào bàn trước tiết đầu 15 phút để truy bài, chuẩn bị tâm lý. Về phía giáo viên, những cô có con lớn thì không sao, nhưng con nhỏ thì phải vội vã chuẩn bị cho con ăn, đưa con đi học rồi mới đi dạy được", cô Huyền nói.

Học sinh cấp 3 đã lớn, có thể tự sắp xếp thời gian học hành

Bên cạnh đó, có một số ý kiến khác cho rằng không nên lùi giờ vào học của học sinh tiểu học, trung học cơ sở, đặc biệt là trung học phổ thông.

Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo của một trường tư thục tại Hà Nội cho rằng, hầu hết học sinh tiểu học và trung học cơ sở đã học bán trú. Nếu lùi giờ vào lớp buổi sáng thì nhà trường phải cắt bớt giờ nghỉ trưa để đảm bảo đủ thời gian dạy và học. Như vậy, học sinh sẽ không có đủ thời gian nghỉ ngơi.

Trong trường hợp đảm bảo đầy đủ giờ nghỉ trưa thì nhà trường phải lùi giờ vào học buổi chiều. Kết quả là thời gian tan học buổi chiều sẽ muộn hơn, khoảng 17 giờ. Đó cũng là giờ tan tầm, tất cả xe ô tô đưa đón học sinh cùng tham gia giao thông vào thời điểm đó sẽ gây tắc đường toàn thành phố.

Vị lãnh đạo này cho rằng, ở miền Bắc vào mùa đông, trời tối sớm. Nếu tan học muộn, học sinh sẽ về nhà trong thời tiết lạnh giá hơn vì trời đã tối.

Các trường lý giải vì sao nên và không nên lùi giờ vào học - 3
Có ý kiến cho rằng không cần điều chỉnh giờ học của học sinh cấp 3 vì các em đã lớn (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Lãnh đạo một trường công lập khác ở Hà Nội ủng hộ quan điểm lùi giờ học của học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Tuy nhiên, lịch học của học sinh trung học phổ thông cần được giữ nguyên. Học sinh cấp 3 tại Hà Nội thường vào lớp từ 7 giờ đến 7 giờ 15 phút.

"Học sinh cấp 3 đã lớn, có thể tự sắp xếp thời gian học hành, nghỉ ngơi hợp lý. Đa số các em đã biết chăm sóc bản thân. Chúng ta không lo việc các em có ngủ đủ giấc không nếu phải vào học lúc 7 giờ hay 7 giờ 15 phút. Giờ đó là phù hợp.

Tôi biết đa số các em đã có điện thoại thông minh, nhiều em hay thức khuya để chơi game, xem phim. Nếu chúng ta cho vào lớp muộn hơn, tôi lo ngại các em sẽ càng có lý do để thức khuya hơn nữa", vị lãnh đạo này nói.

Bài liên quan
Bangladesh cắt giảm giờ học để tiết kiệm năng lượng
Theo quy định mới, học sinh sẽ nghỉ thêm ngày thứ Bảy. Quyết định đóng cửa trường học 2 ngày mỗi tuần nằm trong nỗ lực của chính phủ để tiết kiệm năng lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý do nên và không nên lùi giờ vào học