Lý Trần Quán và cái chết đầy đạo lý của một người thầy không dạy được học trò

Trần Hoà | 10/01/2022, 17:01
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tiến sĩ nho học Lý Trần Quán làm quan dưới thời Lê trung hưng, ông nổi tiếng trung nghĩa, đã tự chôn sống mình khi không dạy được học trò.

Tháng 6 âm lịch năm 1786, quân Tây Sơn vào Thăng Long, quân Trịnh vỡ trận. Chúa Trịnh là Đoan Nam vương Trịnh Khải liệu không cầm cự nổi, đã phải rời bỏ kinh thành, đi theo chỉ còn vài cận thần cùng hơn ngàn quân dắt díu nhau đến địa phận huyện Yên Lãng.

Đến nơi, chúa hỏi cận thần rằng ở địa phương này có ai giỏi, vào hàng tiến sĩ không? Có người biết chuyện chỉ chỗ ở của tiến sĩ Lý Trần Quán tại làng Hạ Lôi, giữ chức Tri Lại phiên tại phủ chúa và đang đi chiêu phủ tại địa phương.

ly-tran-quan.jpg
Lý Trần Quán và cái chết đầy đạo lý của một người thầy không dạy được học trò - minh hoạ IT

Quán sinh năm 1734, đỗ tiến sĩ năm 1766, nguyên quán huyện Từ Liêm, người thật thà, chất phác, rất có hiếu. Có lần ông tâm sự với người thân: “Ta nay đã bốn chục tuổi đầu, nhưng những việc đã làm trong quãng đời vừa qua của ta, chỉ có ba năm chịu tang này là gần với đạo làm người”.

Khi Quán đến yết kiến, chúa Trịnh Khải nhờ tìm người bảo vệ và đưa đến địa giới huyện Yên Lãng. Quán tiến cử người học trò cũ tên Nguyễn Khang. Sợ để lộ tung tích chúa Trịnh, Quán nói nhờ Khang đưa đường dùm cho quan Tham tụng Bùi Huy Bích.

Song Khang biết rõ chuyện thực và báo cho quân Tây Sơn tới bắt Trịnh Khải. Trịnh Khải tự tử trên đường đi.

Khi bị Lý Trần Quán chỉ trích, Nguyễn Khang đáp: “Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu mình”.

Tự xét thấy mình không bảo vệ được chúa và không biết dạy dỗ học trò, Lý Trần Quán tự tìm tới cái chết. Ông bắt chủ trọ mua cho mình một quan tài, mặc nguyên mũ áo nằm vào trong, rồi sai người đem chôn sống vào ngày 29 tháng 6 âm lịch năm 1786 - hai ngày sau khi Trịnh Khải chết.

Lý Trần Quán được truy phong Công bộ Thượng thư, tước Dực Quận công, Lý Trần Quán còn được phong làm phúc thần.

Đời sau có đôi câu đối về hành trạng của ông rằng: “Khảng khái cần vương dị/ Thung dung tựu nghĩa nan” (nghĩa là: Khảng khái làm việc cần vương thì dễ, ung dung làm trọn đại nghĩa thì khó).

Lời bàn:

Lý Trần Quán thật là một nhà nho hiếm có trên đời. Trên cương vị là một quan viên, ông trung nghĩa hết mình.

Trên cương vị là người thầy, ông để lại một đạo lý - với người nay là một sự ám ảnh ghê gớm.

Có lẽ trong sử Việt, hiếm có người thầy thứ hai được như Lý Trần Quán - lấy cái chết tỏ trách nhiệm khi "không dạy dỗ được học trò".

Bài liên quan
Bảng nhãn Việt Nam (Kỳ 6): Hứa Tam Tỉnh trượt Trạng nguyên vì xấu!
Hứa Tam Tỉnh có bài thi tốt hơn, dự kiến lấy đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Giản Thanh đỗ Bảng nhãn. Thế nhưng vì dung mạo xấu mà mọi chuyện đảo lộn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý Trần Quán và cái chết đầy đạo lý của một người thầy không dạy được học trò